Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Rút cục là giá nhà sẽ tăng hay giảm?

Trong khi đại diện Bộ Xây dựng cho rằng giá nhà sẽ nhích lên thì các chuyên gia tư vấn cho rằng giá nhà nhìn chung sẽ giảm. Trong khi đó, thị trường BĐS hàng tồn thì cứ tồn, còn hàng bán chạy thì chênh tới nửa tỷ.


  • Việc dự báo về giá cả thị trường lên hay xuống, đúng như ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng, cho biết: “Dự báo giá thị trường lên, xuống rất khó chính xác”. 
Tuy nhiên, ông Phấn vẫn dự báo giá bán sẽ nhích lên do thị trường sẽ tiếp tục ấmlên. “Bởi thực tế, tại thị trường Hà Nội và TPHCM đã có một số dự án tăng giá. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, giá đã rất sát gần với giá trị thực của sản phẩm”, ông Phấn nhận định.
Giá nhà tăng hay giảm?
Nhìn chung toàn thị trường, ông Trần Như Trung - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng: “Góc độ chung của toàn thị trường, tôi tin rằng giá trung bình, giá cộng của các dự án cộng trung bình, chắc chắn sẽ tiếp tục giảm”. 
“Tại thời điểm hiện nay chỉ số giá căn hộ đã trở lại thời điểm 2009, nhưng tỷ lệ số các dự án có giá bán trung bình hoặc thấp tăng hơn nhiều so với các dự án giá cao, so với thời điểm trước kia 2007 hay 2009. Do đó về mặt số học, chúng ta hoàn toàn thấy rằng chỉ số trung bình của toàn thị trường sẽ giảm”, ông Trung phân tích.
Thị trường căn hộ để bán Quý I/2014, các đơn vị nghiên cứu và tư vấn bất động sản như Savills và CBRE đều có cái nhìn lạc quan về thị trường.
Theo nghiên cứu Savills công bố, tỷ lệ hấp thụ tại thị trường Hà Nội trong Quý I/2014 đạt 10%, giảm -1 điểm % theo quý. Tổng lượng căn hộ bán được giảm -6% so với quý trước. Giá bán trung bình của thị trường sơ cấp ở mức 24,5 triệu VNĐ/m², giảm -8% theo quý. Giảm giá diễn ra trên cả ba hạng căn hộ: hạng A giảm -4%, hạng B giảm -3% và hạng C giảm -7%. Tỷ lệ hấp thụ của hạng B tiếp tục tăng 1 điểm % theo quý, đạt 10% với số căn bán được tăng 3% theo quý.

Giá chào bán sơ cấp tại thị trường TPHCM từ năm 2011 - Quý I/2014. Nguồn: CBRE.
Giá chào bán sơ cấp tại thị trường TPHCM từ năm 2011 - Quý I/2014. Nguồn: CBRE.

Tại thị trường căn hộ TPHCM, CBRE cũng nhận định giá chào bán sơ cấp giảm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Trong đó, CBRE lưu ý sự cạnh tranh mạnh giữa giá sơ cấp và giá thứ cấp. Các nghiên cứu của CBRE ghi nhận giá thứ cấp tiếp tục giảm kể từ năm 2011. Phân khúc cao cấp ghi giảm mạnh nhất, giảm 2,0% so với quý trước và 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Lịch thanh toán dài hạn (kéo dài đến 2 năm) kết hợp với các chương trình khuyến mãi (vàng, xe hơi, miễn phí quản lý) đã khiến cho những người bán thứ cấp phải giảm giá bán để cạnh tranh với với chủ đầu tư. 
Trong khi đó, giá chào bán sơ cấp và thứ cấp trên phân khúc bình dân và trung bình không thay đổi do nhu cầu ổn định trên thị trường.  
Bức tranh BĐS 2014 – nghịch cảnh cháy hàng và tồn kho
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Vũ Văn Phấn cho biết, từ giữa năm 2013 đến nay, đặc biệt là thị trường hiện nay, sau một thời gian trầm lắng đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Đặc biệt là những căn hộ diện tích, giá cả phù hợp được người dân mong chờ và chắc chắn sẽ tiêu thụ tốt. 
“Tóm lại, những sản phẩm nào đáp ứng, phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ có tính thanh khoản”, ông Phấn khẳng định.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2014, ông Phấn cho rằng, thị trường nhà ở sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm. Nguồn cung sản phẩm sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, đây cũng là loại sản phẩm tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm. Các dự án căn hộ trung và cao cấp đã xong phần thô đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi dự báo sẽ có giao dịch tốt.
Song song với đó, ông nhận định các dự án bất động sản xa trung tâm, hạ tầng không thuận lợi của các nhà đầu tư yếu về năng lực tài chính vàkinh nghiệm, các dự án không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Việc quyết định cho phép đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản mới của chính quyền địa phương và việc quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của các doanh nghiệp sẽ được xem xét thận trọng và kỹ càng hơn, ông Phấn cho biết. 
“Nói chung các địa phương có nhiều dự án đang triển khai, có lượng tồn kho nhiều sẽ rất thận trọng, hạn chế việc cho phép triển khai các dự án mới”, ông Phấn nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Trung cho rằng thị trường không phục hồi ở tất cả các phân khúc. “Hiện số liệu của các sàn, các công ty tư vấn đều cho thấy 50 - 80% số lượng giao dịch chủ yếu ở các dự án ở vị trí tốt, có hoạt động xây dựng, hoặc đã hoàn thiện. Nhiều dự án, với điều kiện ngược lại thì hầu như không có thanh khoản”, ông cho biết.
TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – nhận định: “Tốc độ phục hồi của thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng hiện vẫn rất khó khăn vì yếu tố cầu suy giảm, lòng tin suy giảm và rủi ro thị trường tăng lên…
Điều hy vọng nhất hiện nay với thị trường bất động sản là ngoài chuyện phục hồi kinh tế, xử lý nợ xấu đẩy sản xuất kinh doanh tăng lên thì cơ chế tài chính, chính sách cho thị trường này cũng đã minh bạch hơn. Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng vào sự phục hồi của thị trường với tốc độ vừa phải”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét