Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Nứt trụ cầu Vĩnh Tuy do chênh lệch nhiệt độ

Các chuyên gia về cầu đường cho rằng nguyên nhân gây xuất hiện vết nứt là do chênh lệch nhiệt độ trong quá trình thi công.
Theo Dự thảo Báo cáo kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây nứt trụ T22 cầu Vĩnh Tuy do Bộ Xây dựng tập hợp từ các chuyên gia, đơn vị có liên quan về tư vấn kiểm định, tư vấn thẩm tra cùng kết quả khảo sát hiện trạng, các chi tiết thu thập được từ hồ sơ thiết kế, thi công và nghiệm thu trụ T22 cầu Vĩnh Tuy và các kết cấu liên quan, tư vấn kiểm định đã khoanh vùng 2 nguyên nhân chính gây nứt trụ cầu.
Nguyên nhân thứ nhất là do trụ cầu Vĩnh Tuy được thiết kế với kết cấu bê tông có kích thước lớn nên khi thi công đã phát sinh lượng nhiệt lớn trong lòng khối đổ (nhiệt do phản ứng thuỷ hoả xi măng, trong khi đó lại không thực hiện các biện pháp phòng chống phát sinh nhiệt độ cao và chênh lệch nhiệt độ cao của khối đổ bê tông.
Sự chênh lệch nhiệt độ trong một khối đổ và giữa các khối đổ đã tạo ra sự chênh lệch về biến dạng và phát sinh ứng suất nhiệt. Bê tông trụ đã bị nứt tại những vị trí có ứng suất nhiệt vượt quá cường độ chịu kéo của bê tông.
Trụ T22 cầu Vĩnh Tuy xuất hiện vết nứt dọc.
Nguyên nhân thứ hai là do tổng hợp của co ngót theo thời gian, kết hợp tác động của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm môi trường và tính từ biến bê tông dưới tác động của tải trọng thường xuyên trong quá trình khai thác sử dụng đã làm tăng thêm độ mở rộng vết nứt.
Tư vấn kiểm định nhận định vết nứt không phát triển sâu vào trụ cầu vì cốt thép đai của trụ cầu đã ngăn cản các biến dạng co của bê tông. Hầu hết các vết nứt đều chỉ sâu đến lớp cốt đai ngoài của trụ cầu, duy chỉ có vết nứt rộng 3 mm thì có độ sâu lớn hơn (272mm).
Trụ T22 và các trụ khác có các vết nứt khác nhau hoặc không nứt là do điều kiện và trình tự thi công có thể không giống nhau. Bên cạnh đó, thời điểm thi công trụ cầu khác nhau nên các ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm, mức độ nắng chiếu, gió,... khác nhau dẫn đến việc hình thành và phát triển các vết nứt cũng khác nhau.
Riêng về chiều sâu vết nứt, tư vấn thẩm tra TTES (Nhật Bản) cho rằng vết nứt lớn nhất ở trụ T22 có thể sâu hơn vào thân trụ, thậm trí có thể xuyên qua cả chiều dày 1,8m của vách trụ cầu. Vì vậy, tư vấn thẩm tra đã khuyến cáo khi thực hiện công tác sửa chữa, cần phải có biện pháp phòng ngừa khả năng này.
Đa số các chuyên gia về cầu đường đều đồng tình cho rằng, nguyên nhân gây xuất hiện vết nứt là do chênh lệch nhiệt độ trong quá trình thi công nên dẫn đến hiện tượng nứt tại các trụ của cầu Vĩnh Tuy.
Ông Ngô Văn Minh, Đại diện đơn vị Tư vấn kiểm định độc lập (Trường Đại học GTVT) cho rằng, tại những vị trí có vết nứt lớn thì xác định vết nứt đã xuất hiện trong quá trình thi công. Nguyên nhân gây xuất hiện vết nứt là tổng hợp của các nguyên nhân trong đó phải tính đến các yếu tố: Chênh lệch nhiệt đô, do đó dẫn đến chênh lêch biến dạng trong-ngoài trong cùng một khối đổ bê tông. Chênh co giữa các khối đổ bê tông, đặc biệt là giữa phần trụ đặc và phần trụ rỗng (giữa khối đổ 1 và khối đổ 2)…
Trong đó 2 nguyên nhân đầu đều có nguyên nhân từ ứng suất và biến dạng nhiệt thủy hóa của khối bê tông non tuổi, vết nứt tiếp tục phát triển rộng dần do ảnh hưởng của co ngót khô theo thời gian, và ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ môi trường tại vị trí trụ.
GS.TS Nguyễn Viết Trung (Trường Đại học GTVT) cho rằng: Theo các kết quả thí nghiệm, cầu Vĩnh Tuy an toàn trong sử dụng, nên không cần phải tính toán đến phương án hạ tải cho cầu. Tuy nhiên việc xuất hiện các vết nứt tại các trụ cầu là có ảnh hưởng đến tuổi thọ của toàn công trình, do vậy cần sớm có biện pháp xử lý và khắc phục, nhưng không nên dùng phương pháp dán keo mà dùng phương pháp bơm vữa bê tông trực tiếp vào vết nứt, và phải dùng phương pháp bơm chậm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang lưu ý: Từ các kết quả kiểm định có thể thấy cầu Vĩnh Tuy an toàn, tuy nhiên Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng lưu ý các đơn vị có liên quan sớm có phương án xử lý để không bị ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã thống nhất xác định trách nhiệm của các chủ thể: Đối với tư vấn thiết kế xây dựng công trình (Tổng Cty tư vấn thiết kế GTVT) đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn bê tông có cường độ 40 MPa để thiết kế trụ cầu có khối đổ lớn, làm phát sinh nhiệt thủy hóa cao trong khối đổ bê tông.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cầu, cường độ bê tông dùng cho các trụ cầu với quy mô, kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy nên chọn ở mức 30-35 MPa. Mặc dù tư vấn thiết kế đã có yêu cầu trong tài liệu chỉ dẫn kỹ thuật để khống chế sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài khối đổ bê tông không vượt quá 20 độ C, nhưng tư vấn thiết kế không đưa ra các biện pháp chủ động khống chế chênh lệch nhiệt độ của khối đổ và cũng không có ý kiến lưu ý trong giám sát tác giả.
Đối với nhà thầu thi công xây dựng trụ cầu (Tổng Cty xây dựng Thăng Long) chưa tuân thủ các yêu cầu trong chỉ dẫn kỹ thuật về khống chế sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài khối đổ không được vượt quá 20 độ C, chưa có biện pháp thi công phù họp để phòng tránh hoặc giảm thiểu nứt các trụ cầu.
Đối với đơn vị tư vấn giảm sát (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) chưa nghiên cứu đầy đủ các yêu cầu trong Chỉ dẫn kỹ thuật, nên đã không có yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng chỉ dẫn kỹ thuật. Đồng thời, trong quá trình giám sát, đơn vị tư vấn giám sát đã không phát hiện kịp thời các vết nứt sau khi tháo cốp pha.
Đối với chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án Hạ tầng Tả Ngạn) chưa thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý chất lượng công trình, dẫn đến các lỗi kỹ thuật nêu trên. Đối với chủ quản lý sử dụng công trình (Cty TNHH MTV công trình giao thông Hà Nội) đã không kịp thời báo cáo và không xử lý hiện tượng nứt trụ cầu mặc dù đã phát hiện ra vết nứt từ tháng 3/2010.
Căn cứ vào trách nhiệm cụ thể các bên theo hợp đồng, chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan để thực hiện bồi thường theo quy định. UBND TP Hà Nội sẽ xử lý vi phạm hành chính các chủ thể có liên quan theo quy định của pháp luật. Bộ GTVT chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu có kết cấu bê tông cốt thép khối lớn đế tránh xảy ra hiện tượng nứt bê tông do nhiệt thủy hóa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét