Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bộ GTVT: Đường sụt, lún phải dừng thu phí!

Bộ GTVT rất quyết tâm trong việc không để xảy ra việc kém chất lượng trong các tuyến đường nói chung, trong đó có các tuyến cao tốc nói riêng".
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT trước việc nhiều ý kiến phản ánh đến chất lượng các công trình đường cao tốc hiện nay chất lượng bị xuống cấp nhanh chóng.
PV: - Vừa qua, lại thêm 1 tuyến đường Quốc lộ 18 (đoạn Uông Bí-Hạ Long - Quảng Ninh) vừa khánh thành 1 tuần đã có biểu hiện xuống cấp, lún và nứt. Trước đó, hàng loạt đường cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa hoạt động đã hỏng, cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa thông xe đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Bộ lý giải ra sao trước hiện tượng này? Bộ có kiểm tra lại chất lượng công trình này hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Chúng tôi đã kiên quyết làm mạnh với QL18, chưa nâng cấp, sửa chữa xong thì không được thu phí.
Còn các tuyến đường cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Trung Lương thì chúng tôi đã xử lý từ thời gian trước.
Trong thời gian vừa rồi, Bộ GTVT rất quyết tâm không để xảy ra việc kém chất lượng trong các tuyến đường nói chung, và các tuyến đường cao tốc nói riêng.
Bằng giải pháp, thứ nhất rà soát, từ khâu khảo sát thiết kế, thứ hai, vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, thứ ba, tăng cường các đơn vị tư vấn giám sát, đặc biệt là các tổ tư vấn độc lập cho dự án BOT. Bố trí các BQL dự án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để việc quản lý các dự án đầu tư nói chung, BOT nói riêng, dễ dàng hơn.
Bộ GTVT cũng đang từng ngày hoàn thiện khâu quản lý, đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng. Trong thời gian vừa rồi cơ bản cũng đã xử lý được các tồn tại trước đây về công tác chất lượng tiến độ nhà thầu, rồi công tác quản lý dự án sau quá trình đưa vào khai thác, sử dụng.
Đường cao tốc bị xuống cấp thì phải nâng cấp mới được thu phí
Đường cao tốc bị xuống cấp thì phải nâng cấp mới được thu phí
Còn hiện tượng vì sao xuất hiện 1 số vị trí, tuyến đường cao tốc kém chất lượng, thì hiện nay Bộ đang tìm nguyên nhân, để có giải pháp xử lý dứt điểm, không loại trừ nguyên nhân chất lượng vật liệu chưa đạt.
Để xử lý trong 2 năm vừa rồi, Bộ GTVT rất quan tâm xử lý tất cả các chỗ ảnh hưởng chất lượng công trình, trên thực tế nó đã giảm đi. Một số vấn đề phát sinh thì Bộ đang tích cực tìm giải pháp để xử lý dứt điểm, trong đó không loại trừ tinh thần trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, quản lý các dự án.
PV: -Có nhiều ý kiến của chuyên gia giao thông cho rằng, đối với các tuyến đường cao tốc đang tiến hành thu phí mà bị xuống cấp, Bộ sẽ xử lý ra sao? Nếu chỉ xử lý những tuyến đường được phát hiện và chỉ ra như QL 18 liệu có triệt để?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Hiện nay, các tuyến đường bị hỏng, xuống cấp trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, đơn vị đầu tư dự án BOT đó.
Chủ đầu tư phải tiến hành sửa chữa ngay khắc phục tồn tại đó, khi nào khắc phục xong thì mới được tiến hành thu phí.
Bởi vì, đó là các tuyến đường BOT nên các nhà đầu tư phải có trách nhiệm tiến hành duy tu, trong quá trình thực hiện dự án BOT của mình. Tiền đó là tiền DN phải chịu vì chất lượng chưa đảm bảo thì phải duy tu, sửa chữa để đảm bảo chất lượng, còn nhà nước không can thiệp vào, bằng nguồn vốn và số tiền của mình thì DN phải tự xử lý.
Còn quan điểm của Bộ rất rõ ràng, sắp tới, đối với các tuyến đường BOT chất lượng kém, Bộ sẽ yêu cầu dừng thu phí, khi nào xử lý xong thì sẽ tiến hành thu phí. Đối với bất cứ tuyến đường BOT nào, trong quá trình vận hành không đảm bảo chất lượng, Bộ sẽ có giải pháp quản lý nhà nước để can thiệp.
Tôi hoàn toàn đồng tình, nếu chỉ xử nghiêm một tuyến đường thì không thể triệt để nên Bộ sẽ triển khai gắt gao hơn.
Ngay đến bản thân nhà đầu tư QL18 cũng đã lên tiếng sẽ khắc phục ngay vấn đề sửa chữa, khi nào khắc phục xong sẽ tiến hành thu phí. Tất nhiên chuyện đó cũng là một cách xử lý để không được xảy ra việc sửa đi sửa lại. Vì dù sao chuyện đó cũng ảnh hưởng đến dòng tiền, nguồn tiền cho dù là của nhà đầu tư hay nhà nước, vì như vậy thì sẽ rất lãng phí.
Cho nên Bộ rất quyết tâm yêu cầu các bên liên quan đặc biệt chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng quan tâm để quản lý dự án, kiên quyết từ đầu để không xảy ra tình trạng xuống cấp.
PV: - Bộ trưởng Thăng vừa qua cũng đã khẳng định ai phê duyệt dự án mà chất lượng kém thì phải chịu trách nhiệm, làm lãng phí phải đền tiền, Bộ có truy trách nhiệm người phê duyệt, thực hiện những đề án đường này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Tất cả những việc truy cứu trách nhiệm tổ chức, cá nhân, Bộ đang làm rất quyết liệt, từ khâu lập dự án thiết kế, đến khâu lựa chọn nhà thầu, tư vấn nhà thầu hợp tác, sai chỗ nào thì cá nhân phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, dù có xử lý mạnh, nhưng hiện nay câu chuyện này vẫn xảy ra nên ta phải tìm đúng nguyên nhân. Bộ đã giao cho Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tìm đúng nguyên nhân.
Sau đó xử lý đúng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, còn trước mắt giao chủ đầu tư kiểm soát chất lượng để vận hành đối với truyến đường mà mình đầu tư.
PV: - Mặt khác, trong công cuộc siết chặt xe quá tải, Bộ GTVT khẳng định mục tiêu để đường không bị xuống cấp nhanh, thế nhưng đường vừa đi đã hỏng. Điều này có phải là minh chứng, chúng ta đã vu oan cho xe quá tải không, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Đúng là không thể đổ hết lỗi cho xe quá tải. Thế nhưng, xe quá tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự xuống cấp cho các tuyến đường, cái này tôi dám khẳng định.
Xe quá tải có một giá tải quá lớn đối với nền đường, mà trong quá trình thiết kế không lường hết được, cho nên xe quá tải vẫn là một trong những yếu tố chính để phá hủy các tuyến đường, cho nên Bộ vẫn quyết tâm thực hiện siết chặt việc quá tải, để giữ gìn đường.
Còn việc hỏng cục bộ vừa rồi tại một số tuyến đường mới khánh thành, Bộ đang tìm nguyên nhân.
PV:- Trong khi đó, người dân lại đang phải gánh bao nhiêu loại phí để tham gia giao thông, cuối cùng dân vừa phải chịu tăng giá cước vận tải, vừa phải phí đường bộ? Quỹ bảo trì đường bộ đang dành cho việc gì, trong khi đường thì vẫn hỏng, vậy bộ giải thích điều này thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Năm vừa qua, sau khi có quỹ bảo trì đường bộ, hệ thống đường quốc lộ được nâng cấp rõ rệt. Người dân cũng nhìn thấy rõ nỗ lực của ngành giao thông đối với chất lượng đường xá nâng lên, ai bảo là quỹ bảo trì không có tác dụng của nó. 
Trong khi, câu chuyện thu phí hiện nay người dân đã chấp nhận, còn về trạm BOT thu phí thì phải do nhà đầu tư bảo trì, còn quỹ bảo trì đường bộ thì không bảo trì các tuyến đường BOT.
Tôi khẳng định, vừa rồi, quỹ bảo trì đường bộ ra đời, nó đã tác động rất lớn cho việc chăm sóc các tuyến đường quốc lộ từ trung ương đến địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét