Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Nghìn tỷ tiêu xong, chỉ sợ ”tối đèn”

GiadinhNet - Một ca sĩ nhạc rock có tiếng ở Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Còn tỷ cái nhà hát và hội trường không có "chiếu" mà đắp. Hoặc cho thuê đám cưới, hoặc chuyển đổi làm quán bar, hoặc hàng bia hơi ăn nhậu nhớp nháp!”. Đấy là phản ứng trước việc sẽ xây mới, cải tạo hàng chục nhà hát khắp cả nước, tốn hàng nghìn tỷ đồng.

Nghìn tỷ tiêu xong, chỉ sợ ”tối đèn” 1
Quản lý nhà hát ở Việt Nam vẫn nặng hướng bao cấp. Ảnh: Việt Nguyễn
 
Nặng bao cấp

Hôm nay (2/6), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 khóa XIII, Quốc hội dự kiến thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề ngân sách nhà nước. Nhân buổi họp này, Báo GĐ&XH xin đề cập đến một câu chuyện tiêu tiền ngân sách đang gây nhiều tranh cãi tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ VH, TT&DL. Theo quy hoạch này, sẽ có hơn 50 nhà hát quy mô hàng nghìn ghế được xây trên cả nước, tập trung nhiều ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, với kinh phí gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 60%.

Dạo qua một vòng các nhà hát lớn nhỏ ở Hà Nội sẽ không khó để thấy rằng công năng chính của chúng bây giờ không còn để phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Kim Mã (Kim Mã, quận Ba Đình) với nguyên tầng 1 làm dịch vụ ăn uống, giải khát, khán phòng thì chủ yếu để tổ chức sự kiện, hội nghị, liên hoan văn nghệ quần chúng. Nhà hát Quân đội (Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) thi thoảng mới sáng đèn và cũng chủ yếu phục vụ cho sự kiện của các cơ quan, doanh nghiệp. Rạp Chuông vàng (Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) với lợi thế ở vùng “lõi” nên đông đúc hơn, nhưng cơ sở vật chất lụp xụp, tầng 1 chuyên bán băng đĩa các loại. Các nhà hát tuồng, múa rối thì chủ yếu sống nhờ khách “tây”…

Đó cũng là thực trạng mà quy hoạch của Bộ VH,TT&DL thừa nhận: “Việc quản lý các rạp hát vẫn nặng theo hướng bao cấp, chưa có những cách tổ chức quản lý vận hành tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả khai thác công trình...”. Mô hình quản lý các rạp hát thì chủ yếu theo 2 hình thức:  Giao cho một đơn vị tổ chức biểu diễn quản lý, hoạt động như một doanh nghiệp, tự chủ tài chính; Giao cho một nhà hát, một đoàn nghệ thuật như là đơn vị sự nghiệp quản lý nên không có cơ chế thu hút đầu tư trang thiết bị kỹ thuật.

Từ những thực tế đó mà một rocker hàng đầu Việt Nam (xin không nêu tên) đã phải thốt lên: “Còn tỷ cái nhà hát, hội trường không có "chiếu" mà đắp. Hoặc cho thuê đám cưới, hoặc chuyển đổi làm bar, pub, hoặc hàng bia hơi ăn nhậu nhớp nháp... Dân tình nhiều nơi còn đói nghèo, đu dây, chui túi, cơm không thịt, mặc quần áo nát. Trường học lạc hậu, bệnh viện thì thiếu thốn... Đất nước còn ngàn mối lo, chắt bóp ra số tiền đó để đắp vào cái tầm nhìn... làm cái gì!".
 
Không phải lúc này

Có thực sự cần thiết phải chi đến khoảng 7.000 tỷ đồng cho việc xây mới, cải tạo các nhà hát vốn đã “hiu quạnh” như hiện nay? Ví dụ, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, rạp Công nhân, rạp Đại Nam được đầu tư để xây dựng, sửa chữa nhưng đến giờ cũng không đáp ứng được mục tiêu “sáng đèn” đều đặn ngày cuối tuần. Góp ý với dự thảo, ông Mai Tư – Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Thanh Hóa cảnh báo: “Hỗ trợ nghệ sĩ là rất tốt nhưng nếu làm ồ ạt, vội vàng, rất dễ rơi vào tình trạng lãng phí, hoặc đầu tư không đúng nơi, đúng chỗ”.

Bản thân Bộ VH, TT&DL cũng thừa nhận trong dự thảo: “Có một sự chênh lệch tỷ lệ xem các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống với nghệ thuật biểu diễn mới, với tỷ lệ ít gấp 4,99 lần, nghĩa là cứ có gần 5 lượt xem nghệ thuật biểu diễn mới có 1 lượt xem nghệ thuật biểu diễn truyền thống”. Hiểu một cách đơn giản là dân ít đến rạp hát thưởng thức và Bộ VH,TT&DL cho rằng: “Khán thính giả đang có những thiếu hụt về định hướng thẩm mỹ, về lựa chọn các hình thức giải trí”.
 
Nghìn tỷ tiêu xong, chỉ sợ ”tối đèn” 2
TS Phạm Tất Thắng: “Làm sao để nhà hát như một thiết chế văn hóa, chứ không phải xây lên cho đủ số lượng”. Ảnh: Việt Nguyễn

Chủ trương tiêu hàng nghìn tỷ đồng trước một thực trạng như vậy đã làm nảy sinh nhiều băn khoăn về quy hoạch của bộ này. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH bên hành lang Quốc hội, TS Phạm Tất Thắng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không đồng tình với việc chi một số tiền lớn như vậy cho các nhà hát ở thời điểm này. “Hôm trước thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, tôi đã lấy chuyện này ra để góp ý. Bản thân nhà hát thì cần thiết, nhưng cái cần thiết hơn là làm sao để nó “đỏ đèn” được. Trong bối cảnh nhiều đoàn nghệ thuật không có chương trình, nhiều nhà hát cả năm chỉ dùng có một vài lần, khi nền kinh tế khó khăn như hiện nay, thì tôi cho rằng việc sử dụng 7.000 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa phù hợp về mặt thời điểm”, ông Thắng nói.

Bình luận về sự “tối đèn” ở các rạp, ông Thắng cho rằng: “Những chương trình đẳng cấp cao, hấp dẫn thì mấy triệu đồng một cặp vé, liệu bao nhiêu người bình thường có thể đi xem được? Những chương trình mang tính đại chúng lại khó thu hút khán giả, kể cả ở thành thị lẫn nông thôn. Vấn đề là ở cơ chế phát triển văn hóa nghệ thuật, nếu chưa giải quyết được thì việc xây dựng thêm các rạp là chưa phù hợp. Đầu tiên là làm thế nào để các đoàn (nghệ thuật) hoạt động tốt đã. Khi đó, sẽ thường xuyên “đỏ đèn”, rồi mới tính đến chuyện rạp có đáp ứng được không”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét