Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Căn hộ cho thuê tiếp tục hạ giá

Suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) chưa mấy khởi sắc, khiến tính thanh khoản và khả năng hấp thụ sản phẩm tại các phân khúc đều gặp khó khăn.

Đặc biệt, phân khúc căn hộ cho thuê có nhiều biến động về giá, phân hạng và vị trí. Xu hướng giảm giá và chuyển dịch về phía Tây TP Hà Nội đang tiếp tục diễn ra.

Giá thuê giảm 10 - 15%

Vài năm trước, giá thuê căn hộ tại thị trường Hà Nội ở mức khá cao, dao động từ 18 - 22 triệu đồng/tháng, thì nay chỉ khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng/căn. Thậm chí, nhiều khu vực một thời "hút khách" như Trung Hòa - Nhân Chính giá hiện cũng chỉ còn khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Khảo sát các khu vực, chung cư chuyên cho thuê cho thấy, giá thuê đã giảm 10 - 15%. Nhiều chủ nhà sẵn sàng giảm giá cho khách cũ để giữ chân cũng như thu hút người thuê mới. Cụ thể, chung cư cao cấp Ciputra có giá khoảng 10 triệu đồng/căn/tháng, giảm 5 - 7 triệu đồng/tháng. Khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà với đầy đủ nội thất giá cho thuê đã giảm từ 20 triệu đồng/căn/tháng xuống còn 12 - 14 triệu đồng/tháng. Căn hộ tại Keangnam có giá 20 - 24 triệu đồng/tháng… Giá thuê rẻ nhất hiện nay là khu vực quận Hà Đông với mức giá dưới 10 triệu đồng/căn/tháng. Cụ thể, khu Văn Khê giá 5 triệu đồng/căn/tháng; Văn Quán 7 - 8 triệu đồng/căn/tháng… Tuy nhiên, dù mặt bằng chung căn hộ cho thuê đều đang chịu áp lực giảm giá để hút khách, song khu vực Ba Đình, Tây Hồ giá cả và lượng khách thuê vẫn ổn định. Bởi đây là khu vực được nhiều người ưa thích và chủ nhà có kinh nghiệm phục vụ khách thuê.

Ông Trần Vĩnh Hưng, nhân viên tư vấn chuyên trang cho thuê căn hộ Vnhousing.vn cho hay: "Do kinh tế khó khăn, nhiều công ty và cá nhân thắt chặt chi tiêu, nên nhu cầu về căn hộ cho thuê cũng thay đổi. Thậm chí, nhiều khách thuê chấp nhận đi xa để có giá thuê rẻ". Vì thế, các căn hộ diện tích vừa phải (80 - 130m2) giá mềm quanh ngưỡng 10 triệu đồng dễ cho thuê hơn. Bên cạnh đó, xu hướng các công ty chọn thuê nhà riêng, giá 8 - 10 triệu đồng/căn, diện tích sử dụng 200m2 (3 - 4 tầng) để làm văn phòng kiêm nhà ở, nhằm tiết kiệm chi phí" đang tăng nhanh.
Phân khúc căn hộ cho thuê tại Hà Nội vẫn tăng trưởng khả quan nhờ giá giảm

Bất động sản vẫn ồ ạt mở bán

Các sàn giao dịch vẫn đang tận dụng mọi thời cơ để mở bán dự án, kích cầu dù tháng 7 âm lịch vẫn còn khiến tâm lý khách hàng ngại mua bán nhà đất.

Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Sàn Đất Xanh miền Bắc cho biết, từ đầu tháng 7 âm đã tổ chức mở bán 2 dự án ở Hà Nội, gồm Tây Hà Tower (Trung Văn) và HUD3 (Hà Đông). Tuần tới, đơn vị này tiếp tục tung ra căn hộ Sky Garden (Định Công).
Tháng 7 vốn là thời điểm nhiều người hạn chế làm những việc lớn như mua nhà, mua xe… Nhưng công ty vẫn mở bán dự án vì tin có người mua.
“Khách có tâm lý kiêng tháng cô hồn thường là người có tuổi. Còn những cặp vợ chồng trẻ, tâm lý thoáng hơn, họ vẫn quyết định xuống tiền nếu gặp căn ưng ý”, ông Quyết cho hay.
Hơn nữa, theo ông Quyết, hiện thanh khoản trên thị trường đã tốt hơn nên các sàn tranh thủ mọi thời điểm để kiếm khách. “Không có chuyện để nhân viên ngồi chơi cả tháng cô hồn được”, ông Quyết lý giải.
Tháng cô hồn nên giao dịch trên thị trường địa ốc giảm nhẹ so với những tháng trước.
Tổng giám đốc sàn bất động sản Thế kỷ (Cengroup) Phạm Thanh Hưng cũng cho biết, trong tháng 7 vẫn dự định mở bán một số dự án, gần đây nhất là hơn 200 căn hộ tại Tân Tây Đô. Ngoài ra, Cengroup cũng không ngần ngại tiến hành một số giao dịch, trong đó có việc mua một dự án hơn 200 căn hộ hồi đầu tháng.
Theo lãnh đạo Cengroup, những năm trước, số khách giao dịch trong tháng cô hồn giảm rất mạnh vì chủ yếu là nhà đầu tư mua đi bán lại. “Do đó, họ rất mê tín, không muốn mua bán gì trong tháng. Còn năm nay, chủ yếu là người mua để ở nên nếu gặp căn ưng là họ đặt tiền. Một số người cũng kiêng nhưng không đáng kể, do đó, lượng giao dịch chỉ giảm nhẹ so với những tháng trước", vị này cho hay.
Ông Hưng cũng cho biết, một số khách có tâm lý kiêng kị thì chọn cách đặt cọc, còn tháng sau mới ký hợp đồng. Do đó, số ký hợp đồng đã ký có thể giảm nhưng lượng người đặt cọc vẫn không thay đổi nhiều.
Sàn Bất động sản Maxland cũng vẫn mở bán một số dự án trong tháng 7. Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn cho biết lượng khách hàng mua giảm khoảng 30% so với tháng trước. Giữa tháng 7 âm, Sàn Đông Á cũng dự định tung ra một dự án có giá bình dân. Theo ông Trần Đức Chính, Phó giám đốc sàn, việc mở bán này không hy vọng sẽ có nhiều giao dịch ngay mà là để đón đầu thị trường.
"Những khách hàng đã chuẩn bị xong tài chính, muốn mua nhưng lại kiêng tháng 7 thì sẽ chờ đến đầu tháng 8 là xuống tiền. Vì thế, chúng tôi phải đưa hàng ra sớm hơn để khách có thời gian tìm hiểu trước", ông Chính cho hay.
Để kích cầu thị trường, các đơn vị đều tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà. Ví dụ, Cengroup cho biết sẽ tặng 2 lượng vàng cho 100 khách hàng đầu tiên đặt tiền mua căn hộ Tân Tây Đô. Đơn vị mở bán dự án HUD3, Golden Land (Nguyễn Trãi) cũng tặng 2 chiếc tivi cho khách. Người mua Tây Hà Tower được chiết khấu 200.000 đồng mỗi m2 vào giá bán...
Lãnh đạo sàn Đất Xanh miền Bắc và Cengroup đều cho biết, nhiều khách hàng gặp căn hộ ưng ý vẫn sẵn sàng đặt tiền giữ chỗ. Còn việc ký hợp đồng thì hoãn đến đầu tháng 8 mới tiến hành. Đại diện các sàn cũng cho biết, hiện thanh khoản tốt nhất vẫn là những căn hộ có giá trị khoảng một tỷ.
(Theo VnExpess) 

Số dự án bất động sản phải tạm dừng là “quá ít”!

Số dự án bất động sản phải tạm dừng triển khai mới chỉ chiếm 11% tổng số dự án, trong đó thành phố Hà Nội hiện vẫn chưa có số liệu về dự án tạm dừng.

Theo tin từ Bộ Xây dựng, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 7/2013, cả nước có 3.742 dự án bất động sản với tổng diện tích khoảng 90.612 ha, gần 2,8 triệu căn nhà, tương ứng với 410 triệu m2 sàn, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Trong số đó có 2.984 dự án được tiếp tục triển khai, 413 dự án điều chỉnh quy hoạch.
 

Tuy nhiên, theo báo cáo của 38 địa phương, số dự án phải tạm dừng chỉ là 411 dự án, tương đương 19.293 ha, chiếm 11%. Trong đó riêng tại Tp.HCM đã chiếm 322 dự án phải tạm dừng. Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu về các dự án tạm dừng.

Theo đánh giá của Bộ, số lượng các dự án bất động sản phải tạm dừng của các địa phương là quá ít so với tình hình thực tế. Nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc rà soát, phân loại các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.

Quy định về thuế suất VAT đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại?

Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại là những nội dung rất được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP, ngày 13/8/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Nghị định này cũng đã quy định chi tiết một số điều liên quan đến việc sửa đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, cụ thể:

Bán nhà ở xã hội áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%

Nghị định quy định, áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% kể từ ngày 1/7/2013 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và áp dụng đối với số tiền thanh toán từ ngày 1/7/2013 của hợp đồng ký trước ngày 1/7/2013.

Trường hợp cho thuê nhà ở xã hội, thuế suất 5% áp dụng căn cứ vào thời điểm thu tiền theo hợp đồng (kể cả trường hợp thu tiền trước cho nhiều kỳ) kể từ ngày 1/7/2013. Trường hợp doanh nghiệp chưa nhận được tiền thuê nhà kể từ ngày 1/7/2013 thì áp dụng theo thời điểm xuất hoá đơn.

Ngân hàng thế giới (WB) thúc Hà Nội phê duyệt giá bồi thường đất

Ngày 14/8, tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội sử dụng vốn vay WB, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) đã hối thúc Hà Nội đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm hoàn thiện tái cơ cấu các dự án.

WB quan ngại hệ số đền bù chưa sát thị trường nên việc GPMB các dự án chậm so với tiến độ
Trước đó hai tháng (14/6), Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị WB điều chỉnh và gia hạn Hiệp định dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội thêm 18 tháng đến ngày 30/6/2015.
Ngày 22/7/2013, UBND TP cũng đã có thư gửi WB đề nghị sử dụng mức đền bù đất GPMB được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1821/QĐ-UBND làm cơ sở tái cơ cấu các dự án. Theo đó, mức giá bồi thường đất ở cho những dự án sẽ được nâng hệ số K từ 1,5 lên 1,8, có lợi cho chủ sử dụng đất được bồi thường, trong khi giá nhà tái định cư vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, WB vẫn bày tỏ quan ngại hệ số K không sát với giá thị trường dẫn đến tình trạng người dân phản ứng, chậm nhận đền bù để bàn giao mặt bằng, làm cho tiến độ các dự án chậm trễ và đề nghị thành phố đôn đốc các cơ quan liên quan sớm hoàn thành GPMB.
Được biết, Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố sử dụng vốn vay của WB. Đến nay, dự án này đã giải ngân được hơn 76 triệu USD, đạt 24,99% trong tổng mức đầu tư theo Hiệp định là hơn 304 triệu USD.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trong thời gian tới, dù còn nhiều khó khăn, song thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đúng thời gian gia hạn Hiệp định dự án là ngày 30/6/2015.
(Theo DĐDN) 

Hà Nội: Sẽ “xử” chủ đầu tư yếu năng lực làm chậm tiến độ dự án

Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, chủ đầu tư nào yếu phải thay ngay, tránh tình trạng kém năng lực vẫn cố ôm việc.

Các sở, ngành phải bám sát công việc để giải quyết đúng thời gian, quy trình, nâng cao kỷ cương hành chính. Chính quyền các địa phương cần quyết liệt tăng tốc cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)… Hàng loạt yêu cầu đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt ra cho các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm của Thủ đô.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Giai đoạn 2011-2015, danh mục các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP Hà Nội gồm có 40 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12 dự án theo hình thức BT và 3 dự án triển khai theo phương thức xã hội hóa. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình triển khai các dự án đang rất chậm. Trong số 40 dự án, sử dụng vốn ngân sách, đến nay mới chỉ có 5 dự án xây dựng cầu vượt đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Cụ thể, cầu vượt tại nút giao Nam Hồng, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Láng, nút giao Lê Văn Lương - Láng, nút giao Láng Hạ - Thái Hà, nút giao Chùa Bộc - Thái Hà. Trong năm 2013, dự kiến hoàn thành cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, xây dựng đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Một số dự án khác đang được triển khai gồm GPMB đường Vành đai I đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; GPMB 2 tuyến Vành đai II (đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng và đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng). Xây dựng và cải tạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; đường 5 kéo dài (Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long); mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn 2)… Qua rà soát, 22/40 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12/12 dự án BT và 3/3 dự án xã hội hóa đều bị chậm tiến độ. Các dự án có khối lượng GPMB trong nội đô đều chưa triển khai được do chưa xác định được giá đền bù. Để tháo gỡ vấn đề này, tháng 7-2013 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án nào được thực hiện theo quyết định này.

Vụ lùm xùm Quốc Cường Gia Lai: Bài học cho người mua căn hộ

Phần thắng đã thuộc về khách hàng sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc kiện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường - công ty con của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai - về việc chậm giao căn hộ, giao căn hộ với nội thất không đúng thỏa thuận và thu sai thuế giá trị gia tăng tại dự án chung cư Quốc Cường 1.

Tuy nhiên, không đồng ý với kết luận của tòa sơ thẩm, công ty này đã nộp hồ sơ kháng cáo lên tòa án Quận 3 để giải quyết. Chưa thể khẳng định vụ việc sẽ kết thúc như thế nào, nhưng đằng sau đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các bên liên quan.
Nếu công ty Quốc Cường không kháng cáo?
Theo bản án sơ thẩm ngày 17/6/2013, Công ty Quốc Cường phải trả cho nguyên đơn 258 triệu đồng tiền chậm giao căn hộ. Ngoài ra, công ty này phải trả gần 13 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Nói về lý do kháng cáo, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai - cho rằng Công ty Quốc Cường đã cố gắng vay mượn xây dựng hoàn thiện để giao nhà khi 75% khách hàng không thanh toán đúng thời hạn. Điều này đã dẫn đến khoản lỗ 20 tỷ đồng mà công ty này phải chịu. Tuy nhiên, căn cứ theo hợp đồng, khách hàng thanh toán trễ thì phải chịu lãi phạt. Lấy việc khách hàng A thanh toán trễ để biện minh cho việc giao trễ căn hộ cho khách hàng B là không hợp lý. Bởi lẽ, mọi quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa khách hàng B và Công ty Quốc Cường đều phải căn cứ theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Mặc dù vậy, nhìn ở khía cạnh khác, trong thời gian chờ đợi tòa phúc thẩm, Công ty Quốc Cường không phải thực hiện theo bản án do tòa sơ thẩm đã tuyên. Dù tòa phúc thẩm sẽ tuyên thế nào thì khách hàng cũng thấy rằng không dễ dàng gì để nhận được tiền từ Công ty Quốc Cường. Trong một diễn biến khác, ngày 10/7/2013 Quốc Cường Gia Lai đã công bố bán hết cổ phần trong Công ty TNHH Đầu Tư và Phát Triển Nhà Quốc Cường vừa mới bị tuyên thua kiện. Đây có thể là bước đi nữa của chủ đầu tư này để làm nản chí những khách hàng khác cũng đang muốn đâm đơn kiện. Việc thanh toán cho khách hàng theo số tiền trong án sơ thẩm đối với Công ty Quốc Cường sau vụ kiện không phải là quá lớn, nhưng doanh nghiệp này sẽ khó lường hết hậu quả khi hàng loạt khách hàng khác cũng sẽ noi theo tiền lệ.
Bài học cho người mua căn hộ
Để xảy ra tranh chấp, kiện tụng với chủ đầu tư là điều không khách hàng nào mong muốn. Do đó, việc “chọn mặt gửi vàng” khi mua căn hộ phải hết sức thận trọng, nhất là với trường hợp người dân chưa có kinh nghiệm giao dịch bất động sản. Theo Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - Giảng viên bộ môn BĐS, Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh – khi mua căn hộ, người dân nên tìm hiểu xem những dự án trước đây của chủ đầu tư này có chất lượng không, tiến độ có đảm bảo không, sự phát triển của dự án có tốt không… trước khi đặt bút ký.

Một số hình ảnh tiến độ dự án Hòa Bình Green City

Đến nay dự án Hòa Bình Green City đã xây thô đến tầng 7 do trước đó có những vướng mắc về giấy phép xây dựng khiến việc thi công chậm hơn so với dự kiến ban đầu 17 tháng.

Là tổ hợp căn hộ chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại, Hòa Bình Green City được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha tại số 505 Minh Khai, Hà Nội. Dự án do Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim làm chủ đầu tư.
Hồi tháng 2/2013, thị trường BĐS xôn xao với thông tin dự án Hòa Bình Green City bị dừng thi công vì đã xây dựng không phép. Theo một số nguồn tin thì sở dĩ dự án Hòa Bình Green City lâm vào hoàn cảnh “bất đắc dĩ” phải xây... không phép là do sự chậm trễ về thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Trong khi đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng, dự án này được xây dựng trong tình trạng giấy phép chạy theo công trình.

Còn theo thông tin đăng trên báo Tiền Phong thì ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội cho biết, Công trình Hòa Bình Green City là 1 trong 788 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, Sở này cũng đã báo cáo lên Thành ủy Hà Nội và được chỉ đạo xử lý dứt điểm trong năm 2012. Cho đến thời điểm tháng 2/2013, vẫn còn 18 trường hợp chưa được xử lý dứt điểm vì chủ đầu tư chưa nộp thuế sử dụng đất, trong đó có công trình Hòa Bình Green City.

Tuy nhiên, sang đầu tháng 4 dự án này đã được "hồi sinh" khi Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã đồng ý với đề xuất của các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục thuế Hà Nội về biện pháp giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án Hòa Bình Green City theo hướng tạm cấp trích lục bản đồ làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đến nay, dự án đã xây dựng đến tầng 7, dự kiến đến hết tháng 11/2013 dự án sẽ hoàn thành phần thô và dự kiến sẽ mất thêm 7 tháng để hoàn thiện.

Những vướng mắc về giấy phép xây dựng đã khiến việc
thi công Hòa Bình Green City chậm hơn so với dự kiến ban đầu 17 tháng

Nhà đất mua trả góp: Rủi ro cho chủ đầu tư

Thời gian vừa qua, chiêu thức kéo dãn tiến độ thanh toán đã giúp một số dự án bất động sản thu hút khách hàng, song giới trong ngành cho rằng phương thức này không phải không có những rủi ro cho chủ đầu tư.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE Vietnam, nhận định thay vì giảm giá bán trực tiếp, nhiều chủ đầu tư áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt, kéo dài vài năm không lãi suất. Chiêu thức này đã giúp nhiều dự án bán được hàng thời gian vừa qua.

Bên cạnh giá cả, nhiều dự án đang cạnh tranh nhau bằng cách đưa phương thức thanh toán ngày càng dài hơn nhằm giảm bớt áp lực thanh toán cho khách hàng.

Chẳng hạn như Novaland đang thu hút người mua nhà đến dự án căn hộ Sunrise City - Central Towers tại quận 7 với phương thức thanh toán kéo dài đến 50 tháng, mỗi tháng người mua thanh toán khoảng 32 triệu đồng.
Dự án chung cư căn hộ IJC Aroma tại thành phố mới Bình Dương, một trong những dự án có phương thức thanh toán dài đến tám năm. Ảnh: Đình Dũng
Công ty này cũng áp dụng giải pháp tài chính tương tư cho dự án Tropic Garden tại quận 2, theo đó người mua chỉ thanh toán 20% giá trị căn hộ khi ký hợp đồng, phần còn lại trả trong vòng 48 tháng, mỗi tháng 27,5 triệu đồng.

Cũng tại khu vực này, các dự án như Imperia An Phú, The Estella và một số dự án khác đang rất linh hoạt tiến độ thanh toán cho khách hàng từ 2 – 5 năm, không lãi suất.

Hà Nội sẽ có thêm nhiều đối tượng được vay gói 30.000 tỷ

Thời gian cho vay tối thiểu cũng được UBND thành phố đề xuất với Chính phủ cho tăng từ 10 lên 15 năm.

UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cùng các sở, ngành tại địa phương về việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Theo đó, cơ quan này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội thực hiện nghiêm túc về thời hạn cho vay “tối thiểu là 10 năm”, thay vì cứng nhắc ấn định thời hạn 10 năm, gây áp lực trả nợ đối với khách hàng.
Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Huy Tưởng cũng yêu cầu Sở Xây dựng soạn thảo văn bản trước ngày 15/8 để UBND kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng được vay vốn. Theo cơ quan này, nên cho phép những người đã ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội trước ngày 7/1, đang đóng tiền theo tiến độ dự án cũng được phép vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND Thành phố cho biết dự định sẽ kiến nghị Chính phủ nới thời hạn cho vay tối thiểu lên 15 năm, thay vì quy định tối thiểu 10 năm như hiện nay.

Hà Đông có mức giảm mạnh nhất ở phân khúc chung cư trung cấp

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý II-2013 của một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội.

Bảng chỉ số giá này được Sở Xây dựng xác định theo phương pháp thống kê, tính toán, dựa trên số liệu cung cấp bởi: Cục thuế Hà Nội, các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP, Văn phòng đăng ký đất và nhà TP Hà Nội, UBND các quận, huyện trên địa bàn TP và kết quả khảo sát do Công ty CP thẩm định giá và đầu tư VIC khảo sát thực tế các giao dịch phát sinh trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Số liệu khảo sát, thu thập tại địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ và huyện Từ Liêm. Riêng địa bàn các quận Ba Đình, Hoàng Mai và Tây Hồ là địa bàn mới được công bố từ quý II-2013.

Điểm đáng chú ý tại Bảng chỉ số giá quý II-2013 này là tất cả các loại căn hộ chung cư ở cả 3 phân khúc: cao cấp, trung cấp, bình dân tại các quận nội thành nêu trên và huyện Từ Liêm đều giảm mạnh so với thời điểm so sánh gốc quý I-2011.

Chủ đầu tư EMICO khiến khách hàng "nổi đóa"

Sau hơn 2 năm mòn mỏi chờ bàn giao nhà, sáng nay, (15/8), hàng trăm khách hàng dự án Chung cư EMICO được mời đối thoại với chủ đầu tư nhưng nhiều người vô cùng bức xúc với cách "đón tiếp" này.

Nhưng điều đặc biệt bất ngờ với hàng trăm khách hàng là họ đã được chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin (Emico) đón tiếp một cách “quá chu đáo”.
Hàng chục bảo vệ mang trang phục màu xanh của Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ 505 và rất nhiều nhân viên mang băng đỏ “Bảo vệ” của EMICO đã chờ sẵn ở lối vào, soát xét kỹ lưỡng.
Hàng chục bảo vệ giăng hàng "soi" khách hàng từ ngoài đường Khuất Duy Tiến vào nơi họp.
 
Chỉ có những khách hàng mang đầy đủ giấy tờ gồm hợp đồng gốc, Chứng minh nhân dân trùng tên trên bản hợp đồng (hoặc có văn bản ủy quyền cho vợ hoặc chồng) mới được vào.
Nhiều khách hàng đã bức xúc do bị ngăn cản. Có người mang chứng minh thư thay vợ đi họp, người được chuyển nhượng lại, người sợ mất hợp đồng gốc…đều bị đội ngũ bảo vệ hùng hậu này ngăn không cho vào.
Con ngõ số 67 Khuất Duy Tiến ồn ào bởi tiếng cãi cự của nhiều khách hàng. Khách hàng cho rằng họ được chủ đầu tư mời đến chứ không phải họ tự đến và cách làm chủ đầu tư là làm khó cho khách hàng.
"Chúng tôi bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ nhưng chủ đầu tư đối xử với chúng tôi như thế này đây", một khách hàng bức xúc nói.

Văn phòng cho thuê sẽ khởi sắc vào cuối năm

Theo dự báo của Công ty tư vấn BĐS quốc tế Knight Frank, vào cuối năm nay, khi hàng loạt các hãng thời trang, nhà sản xuất hàng hóa danh tiếng thế giới đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam sẽ làm tăng nhanh nhu cầu cho thuê văn phòng kèm mặt bằng giới thiệu, giao dịch hàng hóa hiện đại.

>>   Hà Nội: Thị trường bán lẻ và văn phòng cho thuê có nguy cơ "vỡ trận" /Thị trường BĐS cho thuê quý II-2013: "Ế" khách, giá giảm tại nhiều khu vực
Nhận định của các doanh nghiệp tư vấn BĐS về thị trường văn phòng cho thuê cho thấy, đến hết tháng 7/2013 nhu cầu thuê văn phòng nhiều nhất ở diện tích từ 300m – 500m2. Khách thuê hiện nay chủ yếu muốn tái ký hợp đồng lại để giảm chi phí lớn cho việc trang trí nội thất ban đầu.
Ảnh minh họa
So sánh với các phân khúc khác thì hơn nửa đầu năm 2013, diện tích văn phòng được thuê khá tốt và nguồn cung hạn chế nên giá thuê duy trì ổn định ở mức 647.900 đồng/m2 (31 USD/m2/tháng) ở hạng A, 418.000 đồng/m2 (20 USD/m2/tháng) hạng B. Khách thuê văn phòng hiện nay đang trở thành những “thượng đế” thật sự, khi giá thuê văn phòng không tăng mà vẫn được cộng thêm nhiều ưu đãi, không bị thúc ép về thời gian.

Thị trường BĐS Hà Nội vẫn ổn định trong tháng “ngâu”

Thời điểm hiện tại, nhiều sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội vẫn đang tích cực săn tìm những nguồn hàng phù hợp với nhu cầu thực của khách. Cụ thể, khách hàng đang rất quan tâm đến loại căn hộ nhỏ, giá rẻ, nhưng với điều kiện là dự án phải có tiến độ triển khai tích cực.

Vẫn là nhu cầu thực

Trao đổi với phóng viên ĐTCK, lãnh đạo nhiều sàn giao dịch bất động sản khu vực Hà Nội cho biết, so với hồi đầu năm - thị trường “phập phù”, lúc bán được, lúc không - kể từ đầu quý III/2013 đến nay, kể cả khi đã bước vào tháng “ngâu”, thị trường bất động sản vẫn có giao dịch ổn định hơn trước.

Theo số liệu thống kê không chính thức thì đến nay, có đến hơn 80% các nhà môi giới bất động sản đã chuyển nghề. Số còn lại dù rất yêu nghề và xác định sẽ gắn bó lâu dài với thị trường nhưng đang phải xoay xở đủ kiểu để tồn tại. Một trong những cách để tồn tại của các môi giới bất động sản là tiết giảm hoa hồng và chăm sóc khách hàng nhiệt tình, chu đáo hơn.
Những mảnh đất ở nhỏ lẻ, diện tích từ 30 - 40 m2 tại các khu ven đô, có giá từ 800 - 1.200 triệu đồng/mảnh
Nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Mỹ Đình cho hay, hiện mỗi giao dịch thành công, anh chỉ nhận được hoa hồng cao nhất là 20 triệu đồng, trong nhiều trường hợp, con số này chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng. “Có còn hơn không”, anh nói và cho biết, hoa hồng đã thấp nhưng nhiều khi phải chiều lòng khách bằng cách đưa đi xem nhà đất ở nhiều nơi cho đến khi khách hàng chọn được hàng ưng ý mới thôi.

Ngoài ra, anh còn nhận làm các thủ tục sang tên, chuyển tên hợp đồng hay vào tên “sổ đỏ” cho khách mà chẳng dám tính phí dịch vụ, với mong muốn, cốt sao vẫn duy trì được hoạt động, giữ được các mối quan hệ với chủ đầu tư và khách hàng.

Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bắc Kạn; Khánh Hòa; Vĩnh Phúc; Quảng Trị; Cà Mau và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Theo Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo 2 hướng.

Đối với các dự án được phê duyệt trước ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1, 2 và 3 của văn bản số 900/BXD-KTXD ngày 1/6/2012 của Bộ Xây dựng.
 

Đối với các dự án được phê duyệt kể từ ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì cần rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án, hiệu quả đầu tư hoặc nghiên cứu thay thế vật tư, thiết bị nhập khẩu bằng vật tư, thiết bị sản xuất trong nước; những vật tư, thiết bị bắt buộc phải nhập khẩu nghiên cứu xem xét thay đổi nguồn gốc, xuất xứ (nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án).

Sau khi áp dụng các giải pháp cắt giảm, nếu dự án vẫn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn điều chỉnh mức đầu tư đối với các dự án đang triển khai dở dang, sắp hoàn thành hoặc dự án cần phải đầu tư (không thể dừng) thì người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư do các nguyên nhân nêu trên.

Các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc không hiệu quả thì dừng triển khai để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn. Phần chi phí bổ sung trong tổng mức đầu tư phải tổ chức thẩm tra, thẩm định trước khi phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Các địa phương tự cân đối, điều chuyển trong nội bộ các nguồn vốn hoặc huy động các nguồn vốn khác để thực hiện đối với phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư để triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.
(Theo NDHMoney)

Nhà thu nhập thấp vẫn ế

Trái ngược với tình trạng người dân chen nhau nộp hồ sơ đăng ký mua các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp 2-3 năm trước, giờ đây những dự án này đang ế, vắng khách mua. Trong khi đó, xuất hiện tình trạng có người đã ký hợp đồng mua nhà nhưng chưa nhận bỗng dưng... trả lại nhà, còn người đã nhận nhà tìm cách rao bán, cho thuê lại căn hộ.

>>   Nhà thu nhập thấp "nhập nhèm" thu chi: Do người dân hiểu lầm? /Cần gỡ bỏ rào cản để phát triển nhà thuê cho người thu nhập thấp
Rẻ cũng ế

Khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) có 3 tòa chung cư cao 19 tầng dành cho người thu nhập thấp, do Công ty CP Bê tông và xây lắp Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2010 và bắt đầu đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Các căn hộ ở đây có giá bán 10,6 triệu đồng/m2, lại có vị trí đẹp nên hồi đầu năm 2011, khi chủ đầu tư nhận hồ sơ bán căn hộ, đã có tới 3.357 bộ hồ sơ đăng ký mua nhà, gấp hơn 4 lần tổng số căn hộ.
Gần 10 trường hợp trả lại căn hộ chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng
Vì thế, các hồ sơ phải qua vòng chấm điểm và lấy theo thứ tự từ điểm cao xuống, sau đó người đủ tiêu chuẩn lại phải trải qua vòng bốc thăm may mắn để có được suất mua nhà, với tỷ lệ “1 chọi 3”. Trước đó, dự án nhà thu nhập thấp tại phố Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, cũng trong cảnh tương tự, với tỷ lệ “1 chọi 2”. Vậy nên, ai may mắn có được suất mua nhà thì vui khôn xiết, người trượt thì tiếc hùi hụi. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Đa - Phó tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho biết, đến nay có 8 trường hợp trả lại căn hộ tại chung cư thu nhập thấp Kiến Hưng.

Mua nhà ở: Giờ G đã điểm?

Một số tín hiệu từ phía thị trường BĐS thời gian qua cho thấy, người có nhu cầu về nhà đã nhận ra thực tế về cơ hội mua nhà ở và đã ra quyết định mua. Bên cạnh phân khúc căn hộ bình dân, phân khúc căn hộ cao cấp cũng đã bắt đầu có thanh khoản tốt.

Theo khảo sát của Công ty CBRE, chỉ tính trong quý II-2013, đã có tổng cộng 598 căn hộ cao cấp được chào bán từ các dự án như Happy Valley, Sunrise City (khu Bắc) và Dragon Hill Residence and Suite của khu Nam Sài Gòn. Lượng giao dịch ở các dự án cao cấp cũng đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 40% trong tổng số gần 1.200 căn hộ được tiêu thụ trong quý II.

Một thuận lợi khác là chủ đầu tư và tín dụng ngân hàng sẵn sàng tiếp sức cho người mua nhà. Không kể diện đối tượng mua nhà ở xã hội được hưởng lợi từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ mà cả những người mua nhà ở khác cũng dễ dàng tiếp cận tín dụng từ ngân hàng.
Ảnh minh họa
Theo đó, một trong những cách thức mà các doanh nghiệp cả Nam lẫn Bắc đều áp dụng thời gian qua là hỗ trợ khách hàng tiếp cận vay vốn với lãi suất hợp lý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng 100% lãi suất trong một thời gian nhất định.

Cư dân Pacific Place bỏ nhà đi ở thuê

Khu chung cư cao cấp bậc nhất giữa thủ đô mấy tháng gần đây bỗng trở nên ồn ã, bụi bặm vì hoạt động cơi nới, xây thêm, khiến một số cư dân phải thuê nhà nơi khác để ở.

Hơn 40 hộ dân ở tòa nhà Pacific Place (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết từ đầu tháng 6, chủ đầu tư là Công ty Ever Fortune (thuộc Tập đoàn Mapletree Property của Singapore) bắt đầu lắp thêm 3 thang máy phục vụ khối văn phòng. Việc xây trát, lắp ráp kéo dài và diễn ra cả ban ngày lẫn buổi tối.

"Việc thi công vừa gây ồn, vừa bụi bặm mất vệ sinh và tác động không nhỏ đến cảnh quan tòa nhà. Một số cư dân đã phải thuê nhà đi nơi khác để ở tạm hoặc tránh về vào những giờ công nhân khoan, đục... Thậm chí có người đang thuê nhà tại đây muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn để chuyển đi nơi khác", đại diện nhóm cư dân kể lại.
Nhiều người trong tòa nhà không chịu nổi tiếng ồn đã phải thuê nhà đi nơi khác

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Nhan nhản biệt thự triệu đô đẹp lung linh không người ở

Khoảng 60% trong số biệt thự tại Hà Nội đang để hoang, trong khi đó giá trị mỗi căn biệt thự có thể lên cả triệu đô la.

Thiếu cơ sở hạ tầng đang là vấn đề chung đối với các dự án mới hoàn thiện hiện nay. Nhiều khu đô thị mới nằm ở vùng ven phía Tây đang bắt đầu đi vào bàn giao nhà cho người mua sau khoảng 5 năm triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, người đến nhận nhà thì ít, công trình xây dựng dở dang thì nhiều, thậm chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đáp ứng bởi hiện nay đa phần chủ đầu tư đang thiếu hụt nguồn vốn do gặp khủng hoảng kinh tế.
Trong khi đó, giá trị của những căn biệt thự có giá hàng triệu đô la này sẽ tiếp giảm, nếu các tiện ích không được cung cấp đầy đủ. Bên cạnh đó, do yếu tố đầu cơ trong thời buổi thị trường “nóng” trước đây khiến nhu cầu ở gần như không có. Điều này dẫn đến các biệt thự đa phần bị bỏ hoang, hoặc chủ đầu tư hoàn thiện mặt ngoài xong theo đúng hợp đồng rồi bỏ đó.
Theo báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, trong quý 2/2013 giá biệt thự, liền kề vẫn tiếp xu hướng giảm, Mê Linh giảm khoảng 30%, Từ Liêm khoảng 20%, Long Biên và Hoài Đức giảm khoảng 7%...Cũng theo nghiên cứu của công ty này trên địa bàn HN có khoảng 9000 căn biệt thự mới hoàn thiện, nhưng có tới 60% là không có người ở.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, một số khu đô thị hiện nay về cơ bản đã hoàn thiện nhưng gần như rất nhiều biệt thự đang để hoang, trong khi giá trị của biệt thự có thể lên đến cả triệu đô la.
Biệt thự Lideco
Vào thăm dự án Lideco của CTCP Phát triển Nhà Từ Liêm (NTL) thấy những căn biệt thự đã hoàn thiện mặt ngoài đẹp mê hồn, nhưng trái ngược với cảnh sống nhộn nhịp đô thị thường có thì khu đô thị này lại tràn ngập cỏ mọc bên cạnh biệt thự, vắng như “chùa bà đanh” bởi chủ nhân không chịu đến nhận nhà.
Dự án này được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, cuối 2012 hơn 600 căn biệt thự, nhà liền kề được chủ đầu tư bắt đầu bàn giao. Khu đô thị Lideco nằm ở khu phía Tây Hà Nội thuộc thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức.
Vào cuối 2011, chủ đầu tư dự án có thông báo bán 50 căn biệt thự với giá 33 triệu đồng/m2, mức giá này so với hồi “sốt nóng” giảm khoảng 35%. Đến nay, sau hơn 2 năm suy giảm, giá biệt thự tại đây đang được chào bán chỉ còn khoảng 18-25 triệu đồng/m2 tùy vào từng căn, diện tích.
Mặc dù đã bàn giao nhà từ lâu nhưng đến nay theo chủ đầu tư thì còn tới 400 khách hàng không chịu nhận nhà do khó khăn về tài chính. Tính đến nay, số tiền khách hàng chưa nộp để xây thô và hoàn thiện bề ngoài tại Dự án là trên 200 tỷ đồng. Vì thế, hiện nay khu đô thị này luôn vắng bóng người ở.
Một số hình ảnh thực tế 4/8/2013 tại khu đô thị Lideco
Nhan nhản biệt thự triệu đô đẹp lung linh không người ở (1)
Nhiều biệt thự để hoang, cỏ mọc

Nhiều dự án BĐS "sởn da", "lạnh gáy"

Vừa qua Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức đợt làm việc với chủ đầu tư một số dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở trong đó có 2 dự án khu đô thị mới rất lớn do Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.
Nắn gân” hàng loạt dự án
Quá trình rà soát của Sở Xây dựng là để nắm bắt thông tin và hỗ trợ các chủ đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án. Hầu hết đoàn kiểm tra “sờ” đến dự án nào thì dự án ấy đều chậm tiến độ và thiếu đầu tư hạ tầng xã hội. Như tại dự án Khu nhà ở Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây do Cty CP Puzơlan làm chủ đầu tư. Với tiến độ thực hiện dự án cho phép từ quý II-2008 đến quý IV-2010, dự án này đã hoàn thành xong công tác GPMB và hiện đã hoàn thành 6 căn nhà mẫu, còn lại 126 căn chưa xây dựng, nhưng các công trình công cộng, hạ tầng xã hội vẫn chưa được đầu tư và hiện nay dự án này đang phải tạm dừng để điều chỉnh quy hoạch.
Cũng như dự án Khu nhà ở Sơn Lộc, cơ sở hạ tầng xã hội cũng hoàn toàn vắng bóng tại dự án KĐT mới Hanoi Garden, thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên do Cty TNHH Bejaya-Handico12 làm chủ đầu đầu tư.
Đặc biệt, trong 15 dự án kiểm tra (đợt 1) có 2 dự án khu đô thị mới rất lớn do Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư là dự án Nam An Khánh và dự án Tiến Xuân.
Dự án Nam An Khánh không xác định thời hạn thực hiện

Khu phức hợp La Casa giao căn hộ đúng tiến độ

Công ty CP Vạn Phát Hưng vừa tiến hành bàn giao căn hộ Block 1B khu phức hợp La Casa cho khách hàng vào đầu tháng 8 theo đúng tiến độ ký kết.
La Casa là một trong những dự án có vị trí đẹp ở khu Nam Sài Gòn, nằm ngay góc đường Hoàng Quốc Việt - Đào Trí, quận 7. Dự án gồm 7 block cao 35 tầng với 1.948 căn hộ có diện tích từ 85-127m2. Khu căn hộ tích hợp nhiều tiện ích như hồ bơi, công viên cảnh quan, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao, khu nướng ngoài trời… trên diện tích xây dựng 6,1ha.
1panorama.jpg
Sau khi hoàn thành Block 1B, dự kiến tháng 9 Vạn Phát Hưng sẽ tiếp tục bàn giao căn hộ Block 1A cho khách hàng. Song song với việc bàn giao căn hộ, công ty cũng đang tiến hành nghiên cứu để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng và sẽ triển khai Block 2A và 2B vào thời gian tới khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. 
_MG_9076MIN.jpg
Quá trình thi công dự án sử dụng công nghệ coffa nhôm từ tập đoàn Kumkang (Hàn Quốc) giúp bề mặt sàn bê tông trơn láng, đồng nhất và chất lượng cao hơn hẳn so với coffa thường.

'Bất động sản đang ở vùng đáy'

Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu, ông Nakata Yasuyuki nhận xét, giá nhà tại Việt Nam đã chạm đến vùng đáy và đang đi ngang. Ông dự báo năm 2013 có thể là chu kỳ cuối của cuộc khủng hoảng địa ốc.
Ông Nakata Yasuyuki thừa nhận trong 2-3 năm qua, thị trường địa ốc tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sức mua yếu, hàng tồn kho lớn, giá cả giảm mạnh và nợ xấu nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Nhật vẫn lạc quan về cơ hội lội ngược dòng của bất động sản trong trung và dài hạn.

Ông chỉ ra 3 tiền đề để kỳ vọng. Một là Chính phủ đã tung gói tài khóa hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà với lãi suất ưu đãi 6%. Hai là Nhà nước đang từng bước xử lý nợ xấu (chủ yếu là nợ xấu bất động sản). Ba là các địa phương tích cực cải thiện môi trường đầu tư cho khối ngoại.

CEO Becamex Tokyu cho hay, chính vì doanh nghiệp tin vào khả năng phục hồi của bất động sản Việt Nam sau giai đoạn khủng hoảng nên vẫn rót vốn đầu tư khu đô thị tỷ đô giáp ranh TP HCM tại Bình Dương. Ông Nakata Yasuyuki tin rằng sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý sẽ tìm được đầu ra. "Qua khỏi năm 2013, thị trường có thể sẽ hồi phục từng phần. Giai đoạn năm 2012-2013 gần như là chu kỳ cuối của cuộc khủng hoảng", ông dự báo.

Quan điểm về vùng đáy bất động sản của ông Nakata Yasuyuki khá trùng khớp với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư dịch vụ Kiến Á - Trần Lê Khánh. Theo chuyên gia này, giá nhà đất tại TP HCM đang ở vùng trũng của chữ U, tức giá cả đang ghi nhận ở mức thấp nhất. Điều này có nghĩa bất động sản đã tiến vào vùng đáy và biên độ giảm không còn nhiều. Diễn biến của đồ thị ở vùng này khá nhạy cảm với các tương tác của chính sách và kinh tế vĩ mô.

"Trong điều kiện thuận lợi, nếu các giải pháp hỗ trợ thị trường phát huy hiệu quả có thể lạc quan chờ đợi trong 3 năm tới bất động sản sẽ có cơ hội phục hồi", ông Khánh nói.
a-tb-bds-dang-o-vung-day-1376393081_500x
Nhiều chuyên gia dự báo bất động sản Việt Nam đang ở vùng đáy. Ảnh: Vũ Lê

Cấp giấy tờ nhà đất: Chính phủ quyết liệt gỡ vướng

Sẽ sửa đổi một số chính sách theo hướng xem xét cấp giấy chứng nhận cho người dân nếu họ không có lỗi.

“Cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan để sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các địa phương” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính cùng các tỉnh, thành vào ngày 9-8. Trước đó, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã được Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo với Chính phủ.
TP.HCM: 130.000 nhà không đủ điều kiện cấp giấy
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, toàn TP hiện có khoảng 130.000 căn nhà không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành. Trong đó 70% rơi vào các trường hợp không phù hợp quy hoạch, mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 và xây dựng không phép sau ngày 1-7-2006.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác cấp giấy chứng nhận tại TP gặp khó là vướng mắc về thu tiền sử dụng đất. Điển hình là trường hợp giao đất trái thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trước ngày 15-10-1993. Theo Luật Đất đai 2003, trường hợp này người dân không phải đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức và đóng 50% nếu vượt hạn mức. Tuy nhiên, Nghị định 120/2010 bắt buộc phải đóng 40% theo bảng giá đất của UBND tỉnh quy định với phần diện tích trong hạn mức và 100% theo giá thị trường với phần diện tích ngoài hạn mức.
Làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất tại UBND quận 10, TP.HCM. Ảnh: HTD

281 khách hàng ra tay "trục vớt" Usilk City

Tính đến hết ngày 12/8, đã có 281 khách hàng ký phụ lục hoặc đồng ý với phương án khách hàng quản lý dòng tiền tại Dự án Usilk City.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn, lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) và Ban đại diện khách hàng cho biết, chiều ngày 12/8/2013, Ban đại diện khách hàng đã có buổi làm việc với STL để chốt tiến độ thi công cụm CT1 dự án Usilk City.
Ban đại diện khách hàng và STL "chốt" tiến độ 23 tuần vào ngày 12/8/2013
Bảng tiến độ 23 tuần này được gắn kèm cùng kế hoạch vốn cho từng tuần, mà theo đó STL cam kết sẽ bù đắp phần tiền còn thiếu hụt để đảm bảo tiến độ trong những tuần đầu do việc nộp tiền của khách hàng có thể có độ trễ 2-3 tuần.

Nhà “giá mềm” đang cứu thị trường bất động sản

Tính đến hết ngày 12/8, đã có 281 khách hàng ký phụ lục hoặc đồng ý với phương án khách hàng quản lý dòng tiền tại Dự án Usilk City.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – baodautu.vn, lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) và Ban đại diện khách hàng cho biết, chiều ngày 12/8/2013, Ban đại diện khách hàng đã có buổi làm việc với STL để chốt tiến độ thi công cụm CT1 dự án Usilk City.
Ban đại diện khách hàng và STL "chốt" tiến độ 23 tuần vào ngày 12/8/2013
Bảng tiến độ 23 tuần này được gắn kèm cùng kế hoạch vốn cho từng tuần, mà theo đó STL cam kết sẽ bù đắp phần tiền còn thiếu hụt để đảm bảo tiến độ trong những tuần đầu do việc nộp tiền của khách hàng có thể có độ trễ 2-3 tuần.
Các tuần tiếp theo đó, dự kiến các khách hàng sẽ nộp tiền một cách tích cực và đầy đủ hơn để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. STL cam kết, nếu có thêm bất kỳ các chi phí phát sinh liên quan đến việc hoàn thiện căn hộ thì STL sẽ phải có nghĩa vụ bố trí vốn đối ứng của mình để thực hiện hoàn thiện và bàn giao căn hộ cho Khách hàng theo như trong hợp đồng mua bán.

Tân Hoàng Minh phân trần chuyện nợ

Chiều ngày 13.8, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tổ chức họp báo giải thích lý do chưa nộp tiền sử dụng đất dự án D. Le Pont Dor Hoàng Cầu.
Tại cuôc họp, ông Đỗ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, phụ trách quản lý các dự án của tập đoàn - ngoài việc phân trần về chuyện nợ 142 tỉ đồng tiền sử dụng đất của dự án này, đã tiết lộ một thông tin động trời: Tân Hoàng Minh vừa  quyết định sẽ cung cấp thêm gói bàn giao căn hộ thô dự án siêu sang DPalais de Louis (Nguyễn Văn Huyên) với giá 60-65 triệu/m2.

Như vậy, so với giá bán căn hộ dát vàng từng một thời làm rùm beng thị trường BĐS Hà Nội lên tới 145 triệu đồng/m2 thì hiện giá sản phẩm bàn giao thô đã giảm hơn 50%.

Về lý do chưa nộp tiền sử dụng đất dự án D. Le Pont Dor Hoàng Cầu, Tân Hoàng Minh cho biết, liên ngành đã trình lãnh đạo TP.Hà Nội xin được hoãn dãn nộp tiền sử dụng đất do doanh nghiệp khó khăn. Cụ thể, theo BCTC đến 31.12.2012 doanh nghiệp bị lỗ, chi phí lớn hơn doanh thu do tồn kho giá trị lớn, chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng.

Với tờ trình của liên ngành thì khoản tiền sử dụng đất của Tân Hoàng Minh sẽ được nộp thành 5 đợt, tính từ quý II/2013. Mỗi đợt Tân Hoàng Minh sẽ nộp 28,5 tỉ đồng. Hạn nộp cuối cùng đợt I là 30.7.2013. Tuy nhiên, đến nay Tân Hoàng Minh chưa nộp tiền do thời hạn chót để nộp tiền đợt I trước khi bị coi là nợ tiền sử dụng đất là 30.8.2013.

Mặc dù thừa nhận đang khó khăn nhưng trong cuộc họp, ông Lâm khẳng định, Tân Hoàng Minh đã thu xếp đủ tài chính cho dự án Hoàng Cầu và sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ sau khi có quyết định chính thức của thành phố. Dự án đã được chính thức động thổ tháng 3.2013 tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong tình trạng án binh bất động. Theo phía Tân Hoàng Minh, dự kiến tháng 9, tập đoàn này sẽ khởi công dự án.

Hà Nội: Ngộp thở vì “phố chung cư”

Thủ đô Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính nhằm giảm tải cơ sở hạ tầng và dân cư cho các khu vực nội thành. Nhưng trên thực tế, nhiều khu vực, nhiều tuyến phố nội thành dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải gồng mình gánh những khu nhà chọc trời kéo theo nhiều hệ luỵ.

Khổ sở vì “phố chung cư”

“Trước đây dù mưa lớn nhưng tuyến phố này vẫn ít bị úng ngập, thế mà trong các đợt mưa ảnh hưởng cơn bão số 6 vừa qua cả tuyến phố này luôn bị ngập sâu. Trong khi giao thông ở đây thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Nhiều người thường gọi ở đây là “phố chung cư” khi mà hàng loạt dự án chung cư cao tầng cứ đua nhau mọc lên”, ông Lê Văn Bảy, một cư dân sống ở trên tuyến phố Vũ Trọng Phụng thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nói.

Phố Vũ Trọng Phụng hiện dài khoảng 700m, còn chiều rộng áng chừng hai chiếc ô tô đi ngược chiều tránh nhau rất khó nhưng lại có hàng loạt dự án chung cư cao tầng mọc lên. Đơn cử tại số 47 của tuyến phố hiện có dự án khu nhà chung cư văn phòng Sakura Tower với tòa nhà cao 22 tầng, bao gồm trên 180 căn hộ đang được đưa vào sử dụng.
Ảnh minh họa
Tại số 59 là dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng thương mại cho thuê với hàng trăm căn hộ đang được hoàn thiện trên khu đất 3.279m2. Đối diện với dự án này là khu nhà cao tầng của Đại học quốc tế Bắc Hà (số 54 Vũ Trọng Phụng). Kế tiếp tại số 69 là dự án khu nhà ở và trung tâm thương mại được xây dựng trên khu đất 11.235m2.

Dự án này đang bắt đầu được triển khai với quy mô hai khối nhà cao tầng cao 22 tầng với hàng trăm căn hộ. Nằm cuối của tuyến phố Vũ Trọng Phụng là một dự án bất động sản vào dạng “khủng” mang trên tổ hợp chung cư cao cấp Hapulico Complex (số 85 Vũ Trọng Phụng) được xây dựng trên diện tích 4,3 ha bao gồm khu nhà biệt thự, nhà vườn và 7 tòa tháp căn hộ cao từ 17 đến 24 tầng (khoảng trên 800 căn hộ) và 1 tòa tháp văn phòng 24 tầng...

Hạ tầng chạy theo cao ốc

Hà Nội: Trung bình chỉ có 22 giao dịch BĐS mỗi tháng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng giao dịch bất động sản từ đầu năm 2013 đến nay qua các sàn giao dịch kinh doanh bất động sản rất ít.

Trên địa bàn hiện có 557 sàn giao dịch, nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ có 18 sàn báo cáo có giao dịch thành công, với tổng số 669 lần giao dịch (trung bình mỗi tháng chỉ có 22,3 giao dịch), với tổng số tiền là 1.906,887 tỷ đồng. Về tồn kho bất động sản, các dự án nhỏ lẻ hầu như không có hàng tồn kho do chủ đầu tư đã huy động vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng một phần dự án cho các chủ đầu tư thứ cấp để cùng tham gia thực hiện dự án.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 6/2013, Hà Nội còn tồn kho 9.652 căn nhà, tương đương giá trị 17.060 tỷ đồng. Trong đó gồm các loại: 2.306 căn hộ chung cư, 3.484 căn nhà thấp tầng và 3.862 căn hộ chung cư thương mại do doanh nghiệp đầu tư để bán cho cán bộ, công nhân, viên chức.
(Theo GTVT) 

Cần sớm khắc phục, đổi mới trong việc định giá đất

Vấn đề định giá đất hiện nay còn rất nhiều bất cập, cần sớm được khắc phục, đổi mới để tạo sự minh bạch, công bằng cho người dân, thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa. (Hoàng Lâm/TTXVN)
 
Vấn đề này được nhiều đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo về giá đất do Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức ngày 13/8 tại Tp.HCM.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất-Tổng Cục quản lý đất đai cho biết pháp luật về giá đất đã từng bước tiếp cận cơ chế thị trường, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tạo chuyển biến lớn trong quản lý Nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội. Giá đất do Nhà nước quy định theo nguyên tắc nêu trên đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, đồng thời là cơ sở để giải quyết tốt hơn quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tốc độ các dự án "rùa" tại quận Hoàng Mai

Chiều 13/8, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải khẳng định từ nay đến cuối năm, quận Hoàng Mai chủ trương thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, nhằm đẩy nhanh tốc độ “rùa” của các dự án trên địa bàn quận.

Mô hình Công viên Yên Sở.

Trong đó, ưu tiên nhóm 4 dự án trọng điểm phải thực hiện ngay trong tháng Tám này và tháng Chín năm nay, gồm: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối tiếp từ khu Đền Lừ II đến đường Trương Định-Giáp Bát (đường 2,5) trên địa bàn phường Tân Mai, quận Hoàng Mai; dự án đối ứng C2, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, phường Trần Phú; dự án khu A, Công viên Yên Sở; dự án bãi đỗ xe công cộng Đền Lừ.

Ông Hải cho biết trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng của 87 dự án, trong đó có nhiều dự án phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, công cộng, nhà tái định cư đáp ứng nhu cầu phát triển của quận nói riêng và của thành phố nói chung. Tuy nhiên, ở một số dự án, mặc dù đã được giải thích, tuyên truyền đầy đủ nhưng người dân vẫn cố tình không chấp hành.