Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Định giá đất không chuẩn, thiệt nhiều bên

Bảng giá đất hiện tại của Nhà nước chỉ bằng từ 20-50% mức giá thị trường, gây không ít khó khăn cho công tác đền bù...

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo về giá đất do Tổng cục Quản lý đất đai (TCQLĐĐ), Bộ TNMT tổ chức ngày 6.8.

Rối từ địa phương

Nêu ra các bất cập trong quá trình vận hành về giá đất, ông Bùi Ngọc Tuân - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất (TCQLĐĐ) thừa nhận: Nguyên tắc định giá đất phải sát giá thị trường theo Điều 56 của Luật Đất đai năm 2003 lại dễ gây ra hoài nghi là có giá đất không hay chỉ là giá ảo, bởi khung giá đất mà Chính phủ ban hành không bao giờ theo kịp giá thị trường; cơ chế xây dựng giá và thẩm định giá đất đang có vấn đề; Nhà nước vẫn chưa có cơ quan định giá đất chuyên nghiệp.
Việc định giá đất hiện nay còn có nhiều vướng mắc, bất cập (ảnh minh họa).
Việc định giá đất hiện nay còn có nhiều vướng mắc, bất cập (ảnh minh họa).

Cũng theo ông Tuân, bất cập lớn nhất trong vấn đề này là: “Giá đất cụ thể do các tổ chức độc lập xây dựng và cơ quan Nhà nước thẩm định. Nhưng các tỉnh, thành phố khi thành lập Hội đồng thẩm định giá đất thì hầu hết đều không có chuyên môn sâu, mang tính hình thức nhiều hơn thực chất. Do vậy, có những trường hợp định giá đất không sát giá thị trường khiến Nhà nước thất thoát tài sản dưới dạng giá trị quyền sử dụng đất. Còn người dân cũng bị thiệt do định giá đất thấp, không chuẩn”. 


Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Quang Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) dẫn chứng: Đầu năm 2013, TP.?Hà Nội lần đầu tiên thuê tư vấn giải phóng đền bù đường vành đai 2, công ty của ông tham gia việc này. Tuy nhiên, sau 6 tháng, việc định giá đất vẫn chưa được Hội đồng thẩm định cấp huyện thông qua. Ông Vũ than, công ty của ông gặp khó đủ kiểu bởi một mặt “đối tác” yêu cầu không được làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, nhưng mặt khác lại đề nghị không để người dân chịu thiệt. “Có quá nhiều vướng mắc trong phương pháp định giá đất nên việc tư vấn và hướng dẫn thi hành định giá đất là việc rất khó. Cần xác định giá đất cụ thể và phải theo sát giá thị trường, Nhà nước phải chấp nhận chi thì mới làm được việc” - ông Vũ khẳng định.

Chỉ bằng 20 – 50% giá thị trường

Nhiều đại biểu chia sẻ, bảng giá đất hiện tại của Nhà nước quy định mới chỉ bằng 20-50% mức giá thị trường. Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đại biểu Ngô Văn Hiền (Học viện Tài chính) cho rằng: Giá đền bù đất giữa các tỉnh cần sự công bằng và không nên chênh nhau quá cao. Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc hiện nay là do chưa xây dựng được bản đồ quy hoạch vùng và không có phương pháp định giá hoàn chỉnh. Ông Hiền cũng nêu rõ, thời gian định giá đất kéo dài 5 năm/lần là quá dài và cần phải có bảng giá đất thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần định giá đất theo biến động của thị trường và tùy thuộc vào biến động của mức giá để tham khảo ý kiến cơ quan hành chính cấp tỉnh để định giá lại.

Chuyên gia Olov Farnlvist (Thụy Điển) cho rằng: “Nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu chuẩn và thống nhất về đất đai thì mọi vấn đề xung quanh việc định giá đất sẽ không khiến ai phải đau đầu nữa. Khi đó, chúng ta có thể sử dụng hệ cơ sở dữ liệu này để xác định giá”. 

Về các giải pháp chống đầu cơ đất, Cục trưởng Bùi Ngọc Tuân cho rằng: Về định giá đất, trong luật hiện nay có những nguyên tắc không khả thi và cần phải khắc phục. Ông Đinh Quang Vũ thì đề nghị: “Phải có bảng giá đất cho nhiều mục đích. Một bảng giá đất như hiện nay với mức độ chỉ bằng từ 20-50% giá thị trường, nếu thực hiện được như Thụy Điển với mức 75% là quá tốt vì bảng giá đất của Nhà nước đề ra còn liên quan đến việc thu thuế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét