Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Vì sao nhiều tuyến đường HN vừa làm xong đã ngập lụt nghiêm trọng?

Đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Đại lộ Thăng Long… và không ít những cung đường khác ở Hà Nội mới làm nhưng lại rất dễ bị ngập lụt. Vì sao vậy?


Trận mưa lớn kéo dài trong 2 ngày 8 - 9/8 khiến nhiều cung đường ở Thủ đô bị ngập lụt nghiêm trọng. Không chỉ vừa mưa đã ngập, ngay cả khi trời trở nắng ráo vào sáng ngày 9/8 một số tuyến đường mới như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng vẫn như... sông. Ô tô, xe máy qua lại những tuyến đường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gây ức chế lớn cho người dân.
“Tôi thường xuyên phải đi làm qua đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng mỗi ngày. Đường chỉ vừa mới hoàn thành nhưng không hiểu sao lại hay bị ngập lụt như vậy. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng có thể lụt. Nhiều hôm đến cơ quan, lại phải ngậm ngùi đi về vì nước trên đường bắn lên, bẩn hết áo quần” – một người dân ở khu Linh Đàm bức xúc.
Hình ảnh ngập lụt kéo dài tại khu tòa nhà Keangnam trên đường Phạm Hùng. (Ảnh QN)
Một thắc mắc lớn được nhiều người đặt ra là vì sao những cung đường chỉ vừa mới hoàn thành lại có thể dễ dàng ngập lụt và thời gian nước rút lại có thể lâu đến vậy? Phần lớn các lý do giải thích cho hiện tượng này đều hướng về các chủ đầu tư:

Với lượng mưa khoảng 50 mm, Công ty thoát nước Hà Nội cho biết tại các trục chính sẽ không xảy ra úng ngập nhưng ở một số khu vực hệ thống thoát nước chưa được cải tạo, hay tại những khu có công trình, khu đô thị… thi công chưa hoàn thành bàn giao nên có thời gian thoát nước kéo dài, sẽ gây đọng nước trên mặt đường.   
Đơn vị này cũng cho biết, đối với các công trình, dự án đang thi công liên quan đến tiêu thoát nước sẽ phải kiểm tra, xử lý chủ đầu tư nào vi phạm.
Riêng đối với một số tuyến, đặc biệt đường Nguyễn Xiển hay xảy ra ngập lụt, theo Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê là do “hệ thống thoát nước đã đầy phế thải, bùn đất không có khả năng tiêu thoát”. 

Ngoài ra, một số tuyến đường khác cạnh đó cũng dễ ngập mỗi khi mưa xuống như khu vực đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, được lý giải do hai bên đường là tuyến rãnh nhỏ, không đồng bộ, trước đây thoát ra các ao ruộng trũng xung quanh. Nhưng hai bên đường hiện đã xuất hiện các dự án đô thị nên không còn đường tiêu thoát. 

Nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ngập úng do tình trạng đổ phế thải tràn lấp xuống mương, hệ thống tiêu thoát nước trước đây phục vụ cho đồng ruộng, nay biến thành các tuyến đường dân sinh, khu đô thị nên không đáp ứng được nhu cầu…
Lý giải về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho rằng, khó khăn lớn hiện nay là hệ thống công trình thủy lợi cũ chưa đáp ứng được nhu cầu do tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực tiêu thoát nước cho thành phố gặp nhiều khó khăn.
Cùng có chung nhận định, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, các công trình xây dựng, giao thông triển khai, gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Để hạn chế tình trạng ngập lụt xảy ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục đã yêu cầu lực lượng thanh tra xây dựng, phối hợp với công ty thoát nước kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân thi công các công trình vi phạm, gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Ông Dục cũng yêu cầu phía công ty phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải phá dỡ toàn bộ các đập quay thi công, dẫn dòng trên hệ thống thoát nước khi cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét