Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Giải ngân dòng vốn ODA vào giao thông: Cần sự đồng thuận và minh bạch

Cơ chế chính sách đền bù vướng mắc, giải phóng mặt bằng chậm trễ, khó khăn tạm cư, tái định cư, năng lực chủ đầu tư yếu kém, điều hành chỉ đạo chưa quyết liệt, phối hợp các đơn vị liên quan rời rạc, sống chết mặc bay… Đó là những vẫn đề "nóng” không chỉ trong một hội nghị của ngành giao thông vận tải, mà đang diễn ra trên thực tế.


Công trình xây dựng cầu Nhật Tân (Hà Nội) chậm tiến độ 
do công tác giải phóng mặt bằng
Ảnh: Hoàng Long

Khó giải ngân hay "bài toán” thiếu vốn đối ứng?

Số liệu mới nhất của NHNN, trong giai đoạn 2006 - 2010, nguồn vốn ODA ký kết cho Việt Nam đạt 20,26 tỷ USD và sẽ đạt 32 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2015. Hiện tại, số vốn ODA chưa giải ngân vào khoảng hơn 6 tỷ USD. Đến năm 2015, số vốn dự kiến chưa kịp giải ngân sẽ lên tới 10 tỷ USD.

Rõ ràng, chậm giải ngân nguồn vốn đang là vấn đề bức xúc, liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó các vấn đề như định mức chi tiêu, thanh quyết toán đang gặp trở ngại do sự phân tán của các hợp phần dự án phân bổ tại các tỉnh thành.

Riêng trong lĩnh vực giao thông, các dự án hiện nay đang sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) vào khoảng 1,7 tỷ USD, nhưng năm 2013 dự báo chỉ giải ngân được …. 8%, thấp hơn nhiều so với mức giải ngân chung của các dự án thuộc lĩnh vực khác cũng sử dụng vốn ODA từ WB là 19,47%. Tương tự, các dự án giao thông sử dụng vốn ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tổng trị giá 3,1 tỷ USD nhưng năm 2012 giải ngân cũng ở mức  …. 8%. Đến hết 5 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt … 3%. Những kết quả trên thấp hơn nhiều so với cam kết của cả hai bên cung cấp và tiếp nhận, sử dụng ODA. 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam  thẳng thắn cho rằng, chỉ cần so sánh việc giải ngân nguồn vốn ODA trong lĩnh vực năng lượng là 23,3%, nông nghiệp là 18,7%, thì giải ngân ODA trong lĩnh vực giao thông đang "có vấn đề”. Nguyên nhân chủ yếu do "vòng đời” bình quân của các dự án giao thông kéo dài, 6 đến 8 năm (điều kiện "đủ” từ 3 - 4 năm) tính từ lúc hiệp định vốn được ký cho đến khi những hạng mục xây lắp cuối cùng được đưa vào sử dụng. Với việc thời gian thi công kéo dài, vốn phải bổ sung khá lớn, hiệu quả đầu tư các dự án giao thông bị "lệch” rất lớn so dự kiến ban đầu. Một số dự án đã phải đàm phán, xem xét gia hạn như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Long Thành - Dầu Giây, đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh...

Nhìn từ góc độ chủ đầu tư, thiếu vốn đối ứng, thiếu nguồn tiền từ ODA, đang ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án. Cụ thể như dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, nhu cầu vốn đối ứng trong năm nay cần khoảng 150 tỷ đồng, tuy nhiên, mới chỉ có 22 tỷ đồng. Hay dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cần khoảng 300 triệu USD (trên 6.000 tỷ đồng) vốn đối ứng hiện mới chỉ có 400 - 500 tỷ đồng. Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mặc dù ADB hứa cho vay 40 triệu USD bù đắp phần thiếu của ngân sách nhưng đến nay số tiền trên vẫn chưa có.

TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, vướng mắc lớn nhất của dự án ODA nằm ở hai phía: nhà tài trợ và chủ đầu tư, chung quy bởi xử lý các vấn đề của dự án nói chung và lĩnh vực giao thông nói riêng không triệt để, thống nhất. Làm sao không thể "đổ lỗi” khi còn đó những bài toán nan giải về chế chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng chậm trễ, khó khăn tạm cư, tái định cư, năng lực chủ đầu tư yếu kém, điều hành chỉ đạo chưa quyết liệt, phối hợp các đơn vị liên quan rời rạc theo kiểu "sống chết mặc bay”? Phía nhà tài trợ cần tính chính xác. Phía trong nước khúc mắc từ chuẩn bị, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thi công đến quá trình nghiệm thu. Nếu không tìm được sự đồng thuận của các bên, tiến độ các dự án ODA trọng điểm sẽ mãi không có lối thoát, không đạt được kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân.


Cầu Thanh Trì (Hà Nội)
Ảnh: Hoàng Long

Giải quyết triệt để khó khăn từ khâu nhỏ nhất

Bàn về những vướng mắc trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm (không chỉ sử dụng nguồn vốn ODA) tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần phải triệt để giải quyết khó khăn từ khâu nhỏ nhất, mới tính các bước tiếp theo, từng bước đồng bộ các mắt xích của tổng thể dự án. "Khó trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đâu là nguyên nhân? Của chính quyền, người dân hay các vấn đề của hậu dự án? Nếu không triệt để từng bước, vướng mắc cứ thế lớn dần, tích tụ, càng lúc càng khó giải quyết”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, cả 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đều đang gặp vướng mắc trong công tác GPMB. Điển hình là dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu theo kế hoạch là phải xong GPMB vào tháng 5-2013 nhưng hiện đang vướng 1,59 ha đất liên quan đến 138 hộ dân trên địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài theo kế hoạch phải xong GPMB trong tháng 6-2013 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Đặc biệt tại khu vực huyện Sóc Sơn còn tới 347 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Dự án xây dựng quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên phải hoàn thành GPMB trong tháng 5-2013 nhưng đến nay mới chỉ xong phần thuộc địa phận huyện Đông Anh. 2,37ha đất trên địa bàn huyện Gia Lâm và Sóc Sơn đang vướng mắc do dân kiến nghị nâng giá đền bù hoặc đang khó khăn trong việc xác định giá đất ở làm căn cứ bồi thường. Một số dự án khác như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… đã cơ bản xong mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng tại một số hạng mục nhỏ vẫn còn khiếu kiện làm ảnh hưởng chung tới dự án.

 "Phương án đền bù GPMB công khai với dân và kịp thời bố trí đủ kinh phí để chi trả, bảo đảm công bằng xã hội thì không có lý do gì để người dân không đồng thuận. Trách nhiệm này thuộc địa phương cần phải thực hiện triệt để và minh bạch. Những khó khăn phát sinh, tham mưu TP để kịp thời tháo gỡ”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kết luận.

Tìm sự đồng thuận của tất cả các bên mới giải quyết triệt để các vướng mắc, để xúc tiến đẩy nhanh tiến độ của không chỉ các công trình giao thông ODA trọng điểm, đi đúng quỹ đạo như đã ấn định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét