Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Năm 2020, TP.HCM ‘cơ bản’ hết ngập?

“Mưa lớn, triều cường, biến đổi khí hậu” là điệp khúc quen thuộc khi giải trình về những hạn chế trong cuộc chiến chống ngập tại TP.HCM. Điều ấy nhận được sự chia sẻ nhưng không thuyết phục được các đại biểu (ĐB) tại phiên chất vấn giám đốc Sở GTVT sáng 11-12 của HĐND TP.HCM. Nhất là khi tình trạng ngập sâu, ngập lan rộng do nhà thầu nhiều công trình thi công làm tắt, hẹp dòng chảy hệ thống thoát nước đang gây bức xúc trong dân chúng.
Thi công gây ngập: Phạt 66 lần vẫn vi phạm
Báo cáo tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung cho hay: Tại thời điểm đầu năm 2011, TP có 58 điểm ngập do mưa, gồm 31 điểm vùng trung tâm và 27 điểm vùng ngoại vi. Đến năm 2014, TP có 68 điểm ngập, bao gồm 33 điểm tái ngập trong 52 điểm đã xóa, sáu điểm đang thực hiện và 29 điểm đang phát sinh.
Lý giải về hiện trạng ngập của TP, ông Chung cho rằng TP bị ảnh hưởng nặng của triều cường, mưa và biến đổi khí hậu dự kiến đến năm 2090 mực nước biển sẽ dâng 2,5 m và 1/3 diện tích TP sẽ chịu ảnh hưởng lớn của triều cường.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú bức xúc: “Nhiều điểm ngập mới phát sinh do nhà thầu thi công gây tắc nghẽn dòng chảy, Sở có giải pháp nào để chấn chỉnh thực trạng này?”.
Trả lời, ông Chung thừa nhận việc thi công các công trình: Tân Hóa - Lò Gốm, xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng… đã ảnh hưởng dòng chảy thoát nước, gây ngập phát sinh một số nơi. Riêng tại dự án Tân Hóa - Lò Gốm, thanh tra Sở đã xử phạt 66 trường hợp nhưng tình hình vi phạm vẫn tiếp diễn. Ông Chung cho hay Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và tiến hành chấm điểm các nhà thầu để xử lý nghiêm hiện tượng này. “Đã xử phạt 66 lần nhưng vẫn vi phạm mà Sở GTVT vẫn cho làm thì tôi rất băn khoăn và chưa hình dung được hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Giám đốc Sở GTVT phải xem xét lại vấn đề này” - Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở.
ĐB Tú truy thêm: “Phải có giải pháp thi công đảm bảo dòng chảy trước khi giao công trình cho nhà thầu, Sở có đánh giá tác động đối với người dân hay không?”. “Trước khi thi công, đơn vị tư vấn thiết kế phải lấy ý kiến người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua việc lấy ý kiến chưa đạt chất lượng. Người dân cũng chưa hình dung ra ảnh hưởng của dự án sắp tiến hành nên đồng ý nhưng khi thực hiện người dân mới biết ảnh hưởng và bức xúc” - ông Chung lý giải.
“Cơ bản” là sao xin nói rõ
Chất vấn tiếp về việc để phát sinh nhiều điểm ngập mới, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng: “Chống ngập mà số điểm ngập tăng lên là đánh giá điểm ngập không chính xác. Còn xử lý bằng cách nâng đường lên thì nhà thấp hơn đường, mưa đường không ngập nhưng nhà ngập thì có vẻ đổ khó cho dân, xóa ngập một điểm nhưng gây ngập nhiều điểm khác”.
Giải trình về 29 điểm ngập mới, Giám đốc Sở GTVT cho rằng có thể những điểm ngập đó đã có từ trước nhưng việc phối hợp giữa các địa phương với Trung tâm Chống ngập TP và Sở GTVT chưa được đồng bộ nên chưa đánh giá chính xác số điểm ngập, nay bà con phản ánh mới phát hiện. Còn “nâng đường là một giải pháp hết sức thận trọng và hạn chế, chỉ áp dụng khi ít ảnh hưởng dân, ảnh hưởng dân thì phải lấy ý kiến đồng thuận”. Ông Chung đưa ra nhiều giải pháp chống ngập như tăng cường nạo vét kênh rạch, xây hồ điều tiết, xử phạt nghiêm các đơn vị thi công chặn dòng chảy, kiểm tra đánh giá lại các lỗi kỹ thuật như đấu nối đường ống, hướng dòng chảy... Ông Chung hứa đến năm 2015, xóa 80% các điểm ngập và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước này.
Chưa an lòng với lời hứa này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi rõ: “Giám đốc Sở GTVT nói đến năm 2020 cơ bản giải quyết được tình trạng ngập. Vậy cơ bản là sao? Đề nghị cho biết cụ thể thêm”. Ông Chung giải trình một số dự án đang thi công đến năm 2015 sẽ hoàn thành và thông thoáng dòng chảy. Nếu được bố trí vốn xây hồ Bàu Cát chỉ trong sáu tháng và xây hồ Gò Dưa, cải tạo một số hồ khác thì giải quyết thoát nước cho khu vực diện rộng.
San lấp kênh rạch thì phải có hồ điều tiết
Giải trình ngập nước gia tăng trên địa bàn TP, giám đốc Sở GTVT cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh rạch không chỉ của người dân thiếu ý thức mà còn của một số dự án được cấp phép hẳn hoi. Trước vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cho biết: Đối với 18.000 hộ dân sống trên kênh và ven kênh rạch, ảnh hưởng dòng chảy, bộ mặt đô thị và chất lượng sống của người dân, TP đã cố gắng di dời được 10.000 hộ và còn đang lập dự án để tiếp tục di dời. Trách nhiệm quản lý của các sở, ngành và địa phương phải phối hợp đồng bộ để ngăn chặn, giải quyết vấn đề lấn chiếm kênh rạch.

Về những dự án được phê duyệt cho san lấp kênh rạch, ông Tuấn cho hay theo phân cấp, cơ quan nào quản lý kênh rạch nào thì có thẩm quyền cấp phép đó. Dự án được phê duyệt san lấp kênh rạch thì phải xây hồ điều tiết để bù vào khả năng tiêu thoát nước. Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi: “Vậy có kiểm tra việc xây hồ điều tiết bù vào việc san lấp rạch không? Có bao nhiêu dự án san lấp kênh rạch? Giám đốc Sở cho biết tên một dự án nào san lấp rạch mà có xây hồ điều tiết rồi?”. ông Tuấn nói “Dự án quy hoạch có hồ điều tiết thì phải thực hiện, không thì phải kiểm tra nhắc. Sở có danh sách các dự án san lấp kênh rạch và phải xây hồ điều tiết bù vào. Còn đưa ra các dự án cụ thể thì chúng tôi sẽ báo cáo bằng văn bản sau”. Bà Tâm nhắc: “Đề nghị giám đốc Sở Xây dựng gửi về HĐND danh sách các dự án san lấp kênh rạch và những dự án nào xây hồ điều tiết rồi, dự án nào chưa xây”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét