Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Thi công ì ạch, công trình bị bỏ hoang (11/02/2014)

Dù đã được Bộ GT-VT thuận chủ trương chung phê duyệt dự án từ năm 2007, tuy nhiên công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC) tại phía Nam, thuộc Dự án xây dựng Đường Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Xung quanh công trình cỏ mọc cao hơn đầu người, trên nền công trình xây dựng ngổn ngang…


Hiện trạng công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc VEC tại phía Nam
Ảnh: Hồng Phúc

Có mặt tại công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc VEC tại phía Nam, chúng tôi ghi nhận hiện trạng công trình đang thi công dở dang, xung quanh cỏ mọc hoang hóa quá đầu người.  Ít ai ngờ rằng, công trình này đã được thuận chủ trương chung phê duyệt từ cách đây đã….7 năm.

Theo tìm hiểu, công trình Tòa nhà Văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc VEC tại phía Nam do Công ty CP Bất động sản Đường cao tốc Việt Nam (VECLAND) làm chủ đầu tư, trong khi đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Sơn Hải. Công trình được Bộ GT-VT thuận chủ trương chung từ năm 2007, là công trình thuộc Đường cao tốc TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây. Từ văn bản của Bộ GT-VT, UBND TP.HCM đã giao các đơn vị phối hợp chỉ đạo tìm vị trí quỹ đất còn trống thuộc khu vực Q.2 – nơi có địa thế gần đường cao tốc và vành đai trung tâm để phục vụ cho hạng mục dự án. Tuy nhiên, sau đó, UBND thành phố lại có văn bản chỉ đạo thay đổi địa điểm xây dựng hạng mục sang khu vực Gò Trang, phường Phú Hữu (Q.9), một khu vực cách xa trung tâm thành phố. Đến tháng 11-2007, UBND Q.9 phối hợp với VEC tiến hành báo cáo hiện trạng khu đất xây dựng tòa nhà, rằng: "Hiện trạng khu đất là đất trống, đất ruộng do các hộ dân sử dụng, trên đó chỉ có một căn nhà lá nên thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Với "động tác” này, dự án dễ dàng được UBND thành phố chấp thuận và giao cho VEC được đầu tư xây dựng tại địa điểm khu đất nêu trên.

Tuy nhiên, như Đại Đoàn Kết đã nhiều lần phản ánh, kết quả giám sát của Đoàn giám sát UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xác định, việc khảo sát vị trí đất quy hoạch làm dự án Nhà điều hành đường cao tốc TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây trong hiện trạng đang bị chính quyền tiến hành thủ tục cưỡng chế giải tỏa. Thực chất, khu vực giải tỏa có một trang trại bề thế, được tạo dựng từ trước khi có quyết định thực hiện dự án do người dân đổi biết bao công sức đầu tư mới có được. Thế nhưng, theo nhận định của UBND Q.9 tại tờ trình UBND thành phố xin chủ trương tháng 11-2007, lại chỉ báo cáo hiện trạng "đất trống, đất ruộng do các hộ dân sử dụng, trên đó chỉ có một căn nhà lá” là không đúng với bản chất sự việc. 

Liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng công trình cũng gặp nhiều bất cập. Trong đó, một số quyết định của chính quyền Q.9 lập lờ sử dụng cụm từ "Đầu tư xây dựng Đường cao tốc”, (thực tế chỉ là làm một hạng mục của dự án là Tòa nhà điều hành Đường cao tốc), khiến các cấp chính quyền tiếp nhận khiếu nại của người dân dễ bị hiểu lầm là người khiếu nại không chấp hành chủ trương chung trong việc xây dựng Đường cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thậm chí, ngay đến biên bản kiểm kê tài sản (lập ngày 2-3-2008) cũng được UBND Q.9 chỉ đạo thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất (quyết định 995/QĐ-UBND ngày 18-11-2010)? Đây là các quyết định hết sức khó hiểu, trái với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, có biểu hiện "phớt lờ” pháp luật và lợi ích của người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét