Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Những sự kiện BĐS nổi bật 2013: Tranh chấp, kiện tụng “lên ngôi”

(DĐDN) - Gói hỗ trợ 30.000 tỷ được triển khai; luật Đất đai sửa đổi chính thức được thông qua; làn sóng xin chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; đại chiến giữa khách hàng - chủ đầu tư; và việc BĐS đang hồi phục là những sự kiện BĐS nổi bật trong năm 2013 do Diễn đàn Doanh nghiệp Online bình chọn.


Những sự kiện bất động sản nổi bật năm 2013

1. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ được triển khai
Ngày 7/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ thị trường bất động sản. 

Ngày 15/5, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng chính thức ra đời với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng vay vốn hỗ trợ. 

Đến cuối năm 2013, gói hỗ trợ nhà ở mới chỉ giải ngân được 555,7 tỷ đồng
Theo đó, 5 ngân hàng được chỉ định là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các đối tượng tại Thông tư 07 vay để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Sau này, các đối tượng cho vay được mở rộng, điều kiện vay cũng được nới với Thông tư 18/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 07.

Đến cuối năm 2013, gói hỗ trợ mới chỉ giải ngân được 555,7 tỷ đồng. Trong đó, cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, đã giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng; cam kết cho 1.450 khách hàng cá nhân vay 527 tỷ đồng và đã giải ngân cho 1.436 khách hàng, với dư nợ 350 tỷ đồng. 

2. Luật Đất đai sửa đối chính thức được thông qua

Với gần 90% đại biểu tán thành, sáng ngày 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Đất đai sửa đổi lần này là phải gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập, việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất.

Điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi là hể hiện rõ hơn vai trò đại diện của Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác trong cơ chế Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai. Cụ thể, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. HĐND các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Luật mới có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014. 

3. Làn sóng xin chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội

Ngày 8/3, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, cũng như chia nhỏ căn hộ theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. 

Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 56 chủ đầu tư đăng ký xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, với quy mô 34.533 căn hộ. Tuy nhiên, tiến độ cho phép chuyển đổi dự án còn chậm, tại Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương và 3 dự án có quyết định chính thức, tại TP.HCM, mới có 1 dự án được chính thức chuyển đổi.  

4. Năm đại chiến giữa khách hàng - chủ đầu tư 

Năm 2013 được coi là năm của những tranh chấp, kiện tụng kéo dài trong thị trường BĐS. Đây là hậu quả của một thời đầu tư theo phong trào và hạn chế từ phía quản lý.

Đầu tiên phải kể tới những vụ kiện tụng về chiếm dụng vốn và chậm giao nhà. Ngày 1/7/2013, ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Vina Megastar đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Sau ông Nguyễn Hoàng Long, đến lượt ông Nguyễn Văn Tuẫn - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, vụ lừa đảo lớn nhất thị trường bất động sản tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 đã được đưa ra xét xử.

Năm 2013 được coi là năm của những tranh chấp, kiện tụng kéo dài trong thị trường BĐS

Tại TP.HCM, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án Thảo Loan Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã kéo đến trụ sở công ty này ở chung cư Mỹ Vinh (quận 3, TP.HCM) treo băng rôn tố cáo công ty Thảo Loan chiếm dụng vốn, lừa đảo, chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng so với hợp đồng gần 2 năm. Hay trường hợp của Quốc Cường Gia Lai cũng bị khách hàng kiện vì chậm bàn giao nhà. Mới đây, tòa tuyên bố Công ty Quốc Cường Gia Lai phải bồi thường cho khách hàng số tiền 258 triệu đồng lãi phạt do chậm giao nhà.

Bên cạnh đó còn hàng loạt kiện tụng liên quan đến cách tích diện tích căn hộ tại một số dự án như: Cụm chung cư Dương Nội của Nam Cường; chung cư Đại Thanh của Công ty tư  nhân số 1 Lai Châu; Xuân Mai Park State của Vinaconex Xuân Mai… Các vụ kiện tụng liên quan đến phí quản lý chung cư như Keangnam; Splendora; Chung cư Mỹ Phú (quận 7, TP. HCM)…

5. BĐS đang chuyển mình


Khác với không khí trầm lắng từ những năm trước, cuối năm 2013 thị trường nhà đất bắt đầu sôi động trở lại với sự chào hàng của hàng loạt dự án. Tại Hà Nội, hàng loạt dự án mở bán vào cuối năm như: Viglacera đã mở bán liền kề Xuân Phương; Công ty TNHH Hòa Bình chào bán 300 căn hộ còn lại của dự án Hòa Bình Green City; Vihajico mở bán sản phẩm căn hộ Rừng Cọ; Handico 7 chào bán khu căn hộ tòa CT2B thuộc dự án Khu nhà ở Xuân La, Tây Hồ; Sàn giao dịch bất động sản R9+ chào bán dự án Intracom Trung Văn; TNHH Thăng Long đang mở bán 200 căn hộ thuộc dự án Khu chung cư Thăng Long Yên Hòa.

Mới đây nhất, Công ty CP Đầu tư Hải Phát công bố bổ sung 530 tỷ đồng hoàn thiện dự án The Pride. Hay Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà công bố sẽ triển khai tòa T1-Thăng Long Victory thuộc khu dịch vụ hỗn hợp 33ha Khu đô thị mới Nam An Khánh, Hoài Đức.

Từ tâm lý chờ đợi, khách hàng đã quyết định “xuống tiền” khi gặp dự án phù hợp

Tại thị trường TP.HCM, chỉ trong 2 tuần qua hàng loạt dự án được tung ra như: Dự án The Hyco4 (quận Bình Thạnh) với 30 căn hộ do Công ty Bất động sản Him Lam chào bán; Công ty Lê Thành cũng khánh thành dự án Lê Thành Twin Towers và mở bán một dự án khác là Lê Thành Tân Tạo; hay dự án Lan Phương Plaza (quận Thủ Đức) do Công ty Lan Phương làm chủ đầu đã mở bán đợt đầu tiên vào ngày 14/12. Mới đây nhất, công ty Hưng Thịnh Corp. cũng chính thức công bố chuỗi căn hộ 8X tại quận Tân Phú, TP.HCM. Đất Xanh Miền Trung cũng công bố mở bán giai đoạn 2 gồm 110 nền đất thuộc dự án khu đô thị số 3 - Nam Đà Nẵng.

Theo nhận định của các sàn giao dịch, khoảng 2 tháng trở lại đây, lượng giao dịch tại các sàn tăng đáng kể, mỗi ngày có hàng chục giao dịch thành công/sàn, lượng giao dịch tập trung nhiều vào phân khúc chung cư giá mềm, có tiến độ xây dựng tốt. Điều đặc biệt, từ tâm lý chờ đợi, khách hàng đã quyết định “xuống tiền” khi gặp dự án phù hợp.

6. Tồn kho BĐS giảm dần


Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung. Hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cuối quý 1. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20% còn Tp.HCM giảm trên 30%.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung
7. Giảm thuế VAT cho mua bán nhà ở

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 141/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành việc giảm thuế đối với các dự án thương mại. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế GTGT 10% và đã bao gồm phí bảo trì công trình theo quy định...). Đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội sẽ áp dụng thuế suất thuế VAT 5% kể từ ngày 1/7/2013.

Đây được coi là một trong những chính sách quan trọng của thị trường bất động sản năm 2013.

8. Chia tách huyện Từ Liêm


Cuối tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết về việc thành lập 2 quận và 23 phường mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Huyện Từ Liêm được chia thành 2 quận và 23 phường mới 
Theo đó, quận Bắc Từ Liêm sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai, Phú Diễn, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; 9,30 ha diện tích tự nhiên và 596 nhân khẩu của xã Xuân Phương; 75,48 ha diện tích tự nhiên và 10.126 nhân khẩu của thị trấn Cầu Diễn. Quận Bắc Từ Liêm có 4.335,34 ha diện tích tự nhiên và 320.414 nhân khẩu.

Quận Nam Từ Liêm sẽ có diện tích tự nhiên và dân số của các xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Xuân Phương (536,34 ha và 34.052 nhân khẩu phần phía Nam Quốc lộ 32); một phần diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Cầu Diễn (137,75 ha và 23.279 nhân khẩu phần phía Nam Quốc lộ 32 và phía Đông sông Nhuệ). Quận Nam Từ Liêm có 3.227,36 ha diện tích tự nhiên và 232.894 nhân khẩu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét