Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

72 tỷ xây bảo tàng …cho cỏ mọc

Sau 5 năm thi công, nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái có số vốn đầu tư ban đầu lên tới hơn 72 tỷ đồng vẫn chỉ là một công trình hoang tàn, trong khi đó, hàng chục nghìn cổ vật, hiện vật quý giá của Bảo tàng không có nơi trưng bày và đang xuống cấp, kêu cứu từng ngày. 


Công trình nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái có mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng 
sau 5 năm thi công vẫn chỉ là công trình hoang phế

Bảo tàng thành…phế tích

Bảo tàng tỉnh Yên Bái được thành lập từ năm 1978, lưu giữ một lượng lớn cổ vật, hiện vật vô cùng độc đáo, có giá trị lớn về lịch sử văn hóa của dân tộc. 

Để góp phần bảo quản, lưu giữ, trưng bày và quảng bá các hiện vật cũng như quảng bá các giá trị văn hóa đó, năm 2009, Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư đã tiến hành khởi công xây mới nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái trên diện tích hơn 3000 mét vuông với mức đầu tư lên tới hơn 72,6 tỷ đồng. 

Sau hai năm xây dựng, đến năm 2011, khi công trình nhà Bảo tàng đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng thi công phần vỏ nhà thì bỗng dưng công trình bị dừng thi công và bỏ hoang từ đó đến nay.Do bỏ hoang không người chăm sóc, bảo vệ nên hiện tại toàn bộ công trình khu nhà ngập chìm trong cỏ dại. Các hạng mục được xây dựng xong phần thô đã mốc meo và xuống cấp nghiêm trọng. Nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Yên Bái, nhà Bảo tàng Yên Bái bỏ hoang không chỉ gây lãng phí lớn mà còn làm mất mỹ quan của TP. Yên Bái.

 Chia sẻ với phóng viên Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Thương, sống ngay cạnh Bảo tàng này lắc đầu ngao ngán: Khi Bảo tàng được xây dựng người dân ai cũng vui mừng vì sẽ có nơi để tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà, tuy nhiên, các anh thấy đấy, Bảo tàng giờ khác gì khu nhà hoang phế đâu. Mấy năm rồi chẳng thấy xây dựng gì cả, chỉ thấy cỏ mọc ngày càng nhiều…thật là lãng phí…. Từ  cái xảy nảy cái ung việc nhà Bảo tàng Yên Bái bỏ hoang lại trở thành nơi đổ rác của người dân xung quanh và địa điểm lý tưởng để các đối tượng xấu tụ tập hút chích, mua bán ma túy. 

Theo ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, một nguyên nhân quan trọng khiến công trình dang dở là trong khi đang thi công thì chủ đầu tư hết vốn. 

Cổ vật kêu cứu

Trái ngược với khung cảnh nhà bảo tàng mới hoành tráng nhưng bỏ hoang là khu nhà Bảo tàng cũ xập xệ, cũ nát. Mang tiếng là Bảo tàng nhưng để những tư liệu, hiện vật quý đó đến được với công chúng, những người làm Bảo tàng ở Yên Bái lại phải đóng gói hiện vật theo từng chuyên đề rồi tổ chức trưng bày lưu động mỗi khi có sự kiện lớn. Sau khi trưng bày xong lại đóng gói mang về kho cất giữ.

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái - Trần Xuân Ca, hiện Bảo tàng Yên Bái đang lưu giữ hơn 20.000 cổ vật, hiện vật trong đó có nhiều bộ sưu tập những hiện vật quý giá từ thời đồ đá cũ cách đây khoảng 13.000 năm…  

Do kho chứa của Bảo tàng cũ hiện tạm bợ, sơ sài, không có thiết bị chuyên dụng để bảo quản hiện vật theo yêu cầu chuyên môn như kho chứa chật, không có thiết bị chống ẩm mốc, không có độ thông thoáng, tủ và giá chứa hiện vật không đảm bảo chất lượng. Bởi vậy hiện vật có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian và có thể mất trộm bất cứ lúc nào. Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã bị mất nhiều hiện vật có giá trị trong đó có 1 chiếc thạp đồng rất quý, là biểu tượng của nhân dân các dân tộc Yên Bái và vùng Tây Bắc. Sau đó Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã đấu tranh, triệt phá một vụ buôn bán cổ vật sang Trung Quốc, thu giữ chiếc thạp đồng đó, rồi trao trả lại cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Ông Trần Xuân Ca cũng cho biết, quá trình triển khai thi công nhà Bảo tàng đến công đoạn trưng bày hiện vật đang thể hiện sự thiếu đồng bộ. Lẽ ra, từ khâu xây dựng nhà Bảo tàng đến khâu đầu tư nội thất, làm phương án trình bày để quyết định hiện vật nào mang ra trưng bày và hiện vật nào bảo quản trong kho phục vụ nghiên cứu khoa học phải được thực hiện đồng bộ với nhau, nhưng thực tế thì việc xây dựng nhà Bảo tàng là một gói thầu và khi xây xong nhà Bảo tàng mới lại tìm một nhà thầu khác đầu tư nội thất và ngoại thất. Như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian, đó là chưa kể đến vướng mắc về tài chính.

Đáng buồn thay, ở một tỉnh miền núi nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn như Yên Bái mà suốt bao năm qua cả "núi tiền” nằm phơi mưa, phơi nắng. Phải chăng do "cha chung không ai khóc”, không ai phải chịu trách nhiệm nên cứ bị thờ ơ, bỏ mặc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét