Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

“Bom nổ chậm” chưa thể di dời

Trong danh sách phê duyệt đợt 1 về các cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vừa được UBND TP.HCM công bố, có đến 50% cơ sở nằm trong vùng "lõi” trung tâm đô thị của thành phố. Đáng chú ý, một số cơ sở ô nhiễm nặng bị xếp vào danh sách buộc phải di dời, tuy nhiên vẫn "án binh bất động” từ đầu năm đến nay.


Ô nhiễm do xả thải trái phép ra môi trường 
ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân

Ô nhiễm bao vây

Thực trạng trên đang đặt ra những cảnh báo hết sức nghiêm túc đối với chính quyền TP.HCM trong nỗ lực thúc đẩy mô hình chính quyền đô thị. Một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra với thành phố là phải di dời toàn bộ các cơ sở ô nhiễm nêu trên ra khỏi khu vực trung tâm để đảm bảo quy hoạch bền vững.
Theo đồ án quy hoạch, vùng "lõi” đô thị của TP.HCM bao gồm các quận trung tâm: 1,3,4 và Bình Thạnh, bao quanh một khu vực rộng 930ha. Khu vực này được kỳ vọng quy hoạch theo hướng hạn chế dân số và ô nhiễm môi trường, phát triển nhà cao tầng hợp lý và mở rộng không gian ngầm. Tuy nhiên, trong số 8 cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vừa được công bố, có 50% thuộc khu vực lõi đô thị của TP.HCM, bao gồm: Công ty TNHH MTV Thuốc thú y Trung ương (29 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1), Công ty CP Dệt lưới Sài Gòn (89 Nguyễn Khoái, P.1, Q.4), Xí nghiệp chế biến Nam Phong (P.13, Q.Bình Thạnh) và Công ty CP Công nghiệp Thương mại Hữu Nghị (11 Đoàn Văn Bơ, Q.4). 

Trong khi đó, các cơ sở gây ô nhiễm còn lại hầu hết đều nằm ở khu vực các quận trung tâm, gồm: Xí nghiệp Pin Con Ó - Cơ sở 2 (752 Hậu Giang, P.12, Q.6), Nhà máy xi măng Hà Tiên (Xa lộ Hà Nội, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức), Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định - Phong Phú (89 Phan Văn Trị, P.11, Q.Gò Vấp) và Công ty CP SXTM Xây dựng Long Bình (23 Trần Trọng Khiêm, P.Long Bình, Q.9). Đáng chú ý, 2 cơ sở gây ô nhiễm nặng thuộc diện phải di dời ngay là Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Nhà máy Xi măng Hà Tiên, cho đến nay vẫn chưa triển khai được do các nguyên nhân khác nhau. 

Không chỉ là bài toán di dời

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, chỉ tính riêng trong năm 2013, thành phố đã thực hiện di dời khoảng trên 1.400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành và vùng phụ cận. Đồng thời, thành phố cũng đã ra quyết định yêu cầu ngừng hoạt động đối với 35 cơ sở vi phạm và ban hành khoảng gần 90 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền 5,3 tỉ đồng,… 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Công sự - TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành và vùng phụ cận, TP.HCM cũng cần có giải pháp quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý môi trường trong việc xác định thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.

 Theo Luật sư Hậu, thực tế hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường thường kéo dài trong nhiều năm, nhưng người dân lại không có đủ điều kiện để phát hiện và chứng minh thiệt hại họ đã và đang phải gánh chịu. Do đó, Luật sư Hậu đề xuất nên sớm thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường trực thuộc tòa án cấp tỉnh, thành phố ở những nơi có KCN và các Thẩm phán chuyên trách về môi trường nhằm giải quyết triệt để hậu quả về ô nhiễm môi trường do các cơ sở, xí nghiệp để lại.

Chuyên gia Nguyễn Bình Giang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý ô nhiễm môi trường tại một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản sẽ là những gợi ý rất hữu ích cho các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó có TP.HCM. Theo chuyên gia này, việc thành lập và tập huấn các hội bảo vệ môi trường tại các KCN với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, các trường học,… sẽ giúp chính quyền thành phố không chỉ tăng cường giám sát và nghiêm khắc thực thi quy định về môi trường, mà còn xây dựng được cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm ô nhiễm.

Thanh Hóa: Tặng bằng khen cho cá nhân tố giác sai phạm ở 
C.ty Nicotex Thanh Thái

Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngày 2-1-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Trịnh Văn Chiến đã có quyết định tặng bằng khen cho ông Lê Đình Sơn, thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ông Sơn là người đã dũng cảm tố giác vi phạm nghiêm trọng về môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái. Trước đó, ông Sơn đã thay mặt nhiều người dân gửi đơn tới cơ quan chức năng, phản ánh tình trạng vi phạm môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái. Sau khi nhận được đơn, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc cùng với sự giúp sức của nhân dân, đến nay một loạt vi phạm nghiêm trọng về môi trường của C.ty Nicotex Thanh Thái đã được làm rõ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét