Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Đến 2015 phải xóa nợ đọng xây dựng cơ bản

Một trong những vấn đề thu hút mối bận tâm của Chính phủ là nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý triệt để ảnh hưởng xấu đên an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đến 2015 phải xóa nợ đọng xây dựng cơ bản
Nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương đang hết sức phức tạp và khó giải quyết. Ảnh tư liệu
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh gửi Quốc hội cuối năm 2013, nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giảm mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách trung ương đã giảm xuống còn 28.000 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 85.000 tỉ đồng cuối năm 2012 hay mức 100.000 tỉ đồng giữa năm 2012.
Tuy nhiên, tại các địa phương vấn nạn nợ đọng xây dựng cơ bản lại khá phức tạp và gây nhiều hệ lụy khó giải quyết. Tình trạng này đã khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc, bị chậm lương...
Hồi tháng 9/2013, khi Kiểm toán Nhà nước công bố con số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương trên cả nước đã khiến không ít người phải giật mình. Theo đó, số nợ đọng tạm tính đến thời điểm tháng 9 đã lên đến 91.000 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, tính đến nay tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát,...vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.
Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để đã và đang ảnh hưởng xấu đến mức độ an toàn của nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nghị quyết 01 của Chính phủ vừa ban hành đầu năm 2014 đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 là tập trung tái cơ cấu đầu tư trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.
Ưu tiên vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng cho các dự án ODA, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thông mới, vốn tham gia các dự án đối tác công – tư (PPP)…
Đối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Còn đối với những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép, các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn.
Với những công trình dở dang khác cần có giải pháp xử lý phù hợp hoặc kiên quyết tạm dừng thực hiện.
Để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng (khách quan, chủ quan); trên cơ sở đó có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ quan một cách công khai, công bằng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Những địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn thì không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án; đồng thời, phải thực hiện đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.
Mặt khác, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ động xây dựng cơ bản; rà soát, phân lại toàn bộ danh mục công trình, dự án để đến 2015 phải cơ bản hoàn thành các dự án đang thi công dở dang.
Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư. Bảo đảm các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thiện cơ chế chính sách triển khai đấu thầu qua mạng.
Khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện Luật Đầu tư công trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, khóa XIII. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công sau khi được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, để không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản...
Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được tiến hành dần theo lộ trình từng năm và thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét