Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Nghệ An: Nghi vấn về hàng chục tỉ đồng bị “bốc hơi” ở chợ Vinh


(NB&CL) - Ngay sau khi hàng trăm tiểu thương chợ Vinh đồng loạt đóng cửa ki-ốt để phản đối việc khai thác tầng 3 đình chính của chợ, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi đối thoại “nóng”. Tại cuộc đối thoại, ngoài việc xoay quanh các vấn đề còn tồn đọng và những phản ứng gay gắt việc quy hoạch tầng 3, thì quyết định phê duyệt quyết toán công trình số 6811/QĐ-UBND của UBND TP. Vinh cũng được công bố. Từ đây, các hộ tiểu thương đã phát giác ra hàng chục tỷ đồng mà bà con đóng góp đã …bốc hơi! 
 

 
 
 
Quyền lợi của tiểu thương bị xâm hại.
 
Chợ Vinh được biết đến như một trung tâm giao thương quan trọng, không chỉ của Nghệ An mà còn cả khu vực Bắc Trung bộ. Được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, qua thời gian, cùng với nhiều lần bị cháy, công trình đã xuống cấp trầm trọng, không dảm bảo an toàn. Để đáp ứng nhu cầu của các tiểu thương cũng như mong muốn có một công trình hiện đại, xứng tầm tại khu vực, chợ Vinh được UBND Thành phố duyệt dự án xây dựng công trình chợ.
 
Theo đó, chợ Vinh gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn khoảng 35.000 m2 bố trí hơn 1.300 gian hàng, có hệ thống cầu thang cuốn tự động. Tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và của các tiểu thương cùng đầu tư. Cuối năm 2009, trung tâm thương mại lớn nhất khu vực Bắc miền Trung này chính thức được đưa vào hoạt động.
 
Tuy nhiên, công trình được đưa vào hoạt động chưa được bao lâu thì nhiều vấn đề nảy sinh khiến không ít tiểu thương bức xúc, gây xôn xao dư luận trong suốt hơn 5 năm qua. Theo như đơn thư của bà con tiểu thương phản ánh đến Báo Nhà báo & Công luận, ngay khi chợ Vinh sắp đưa vào khai thác, sử dụng các tiểu thương đã làm đơn khiếu nại với các nội dung như: Không được cấp Thẻ chứng nhận theo quy định tại Điều 9 Quy chế huy động vốn, quyền lợi của người góp vốn không đảm bảo, phải công khai quyết toán công trình.... nhưng không được chính quyền xem xét giải quyết. Thậm chí, ngày 27/7/2010, sau gần 1 năm, UBND thành phố Vinh lại ra văn bản số 228/UBND-KT trả lời đơn khiếu nại của các hộ kinh doanh, nội dung đơn bác yêu cầu của bà con tiểu thương! 
 
Tại điều 9 Quy chế huy động vốn xác định các hộ kinh doanh là các “Đối tượng đầu tư”, quy định: “Đối tượng đầu tư sau khi nộp tiền đầu tư sẽ được cấp thẻ chứng nhận đảm bảo quyền đầu tư đối với điểm kinh doanh cụ thể và số tiền đã nộp cho đến khi nộp tiền đầu tư đợt 2. Thẻ chứng nhận thể hiện rõ các nội dung: Họ tên, địa chỉ, số CMND... vị trí, diện tích của điểm kinh doanh.. tổng số tiền phải nộp, số tiền đã nộp..” Tuy nhiên, BQL chợ Vinh đã cấp cho các hộ kinh doanh một loại thẻ gọi là (Thẻ chứng nhận hợp đồng) nhưng không thể hiện đầy đủ các nội dung ghi trong quy chế, đặc biệt không thể hiện các nội dung quan trọng như số tiền đầu tư…
 
Những khiếu kiện đang tạm lắng, thì đùng một cái, mới đây Ban quản lý chợ Vinh (BQL) lại cho cải tạo tầng 3 của chợ thành nơi cho thuê mặt bằng để bán những mặt hàng tương tự như tầng 1, tầng 2!
 
Sự việc lan truyền, các cơ quan truyền thông vào cuộc, đưa tin: Hàng trăm tiểu thương chợ Vinh đóng cửa hàng loạt ki-ốt bãi thị để phản đối việc khai thác tầng 3 chợ Vinh. Bà con tiểu thương cho rằng, việc cải tạo tầng 3 chợ Vinh thành nơi bán hàng hóa như tầng 1, tầng 2 với số lượng lên đến 514 ki-ốt là vi phạm Điều 2, Quy chế huy động vốn của các tiểu thương đã góp vốn đầu tư xây dựng chợ theo Quyết định số 1229/2007 của UBND thành phố Vinh. Việc quy hoạch lại sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Hơn nữa, buôn bán ngày càng khó khăn bởi lượng khách vào chợ ngày càng ít. Nếu BQL chợ và UBND TP tăng thêm ki-ốt nữa sẽ khiến việc buôn bán càng khó khăn hơn.
 
 
 Thẻ chứng nhận hợp đồng, các hộ tiểu thương cho rằng thiếu minh bạch
 
Bất ngờ vì hơn 26 tỷ đồng “bốc hơi” 
 
Trước sự việc căng thẳng trên, ngày 07/3/2014 UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi đối thoại “nóng” với các tiểu thương để nắm bắt những kiến nghị, phản ánh. Tại cuộc đối thoại, ngoài việc xoay quanh các vấn đề còn tồn đọng thì quyết định phê duyệt quyết toán công trình số 6871/QĐ-UBND cũng được công bố, dù đúng ra phải được công bố từ lâu vì nó được ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó chủ tịch UBND TP. Vinh, ký từ ngày 19/11/2012. 
 
Trong quyết định số 6871/QĐ-UBND nêu rõ: Quyết toán được duyệt là 174,466.687 tỉ đồng. Trong đó; ngân sách tỉnh là 2 tỉ đồng, ngân sách thành phố Vinh 20,796.459 đồng và nguồn thu từ bán quyền sử dụng quầy ốt là 151,670.228 đồng.
 
Sau khi xem xét và đối chiếu các số liệu, các hộ tiểu thương không khỏi ngạc nhiên bởi, nguồn từ tỉnh và thành phố đã được thanh toán, còn số tiền thu của các tiểu thương mới chỉ nộp được 134,835.710 đồng, còn nợ 16,834.518 tỉ đồng. Nhưng lạ thay gầy 17 tỷ đồng này trong suốt mấy năm qua không hề được nhắc đến.
 
Bất ngờ hơn, dựa trên Bảng giá ki ốt kinh doanh tại chợ Vinh do UBND thành phố Vinh ban hành thì số tiền góp vốn do bà con tiểu thương đóng góp ước tính khoảng 161 tỷ đồng, trong khi quyết toán chỉ hơn 151 tỉ đồng. Vậy, cộng với số 17 tỉ đồng đã nói là hơn 26 tỷ đồng đã đi đâu? Và nếu theo quyết định số 6871/QĐ-UBND, thì số tiền còn nợ gần 17 tỷ đồng này những hộ kinh doanh nào nợ? Còn nếu bà con tiểu thương không nợ thì ai sẽ chịu trách nhiệm về số tiền này? Hơn nữa, nếu BQL chưa bán hết ki ốt để thu về gần 17 tỷ đồng thì tại sao lại đề xuất tăng thêm diện tích lầu 3 chợ Vinh để bán tiếp? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét