Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Tránh cực đoan trong Luật Xây dựng


Ngày 31/3/2014, tại TP.HCM, Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường tổ chức hội thảo về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Dự án có nhiều nội dung mới, tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, chia sẻ trước khi trình Quốc hội thông qua.
Luật Xây dựng hiện hành được thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Luật này quy định phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động xây dựng nhưng toàn bộ nội dung của Luật lại phản ánh quá trình đầu tư xây dựng công trình. Như vậy, giữa phạm vi điều chỉnh và nội dung các quy định của Luật Xây dựng năm 2003 chưa đảm bảo tính thống nhất. Do đó, việc xem xét sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và các quy định của Luật là cần thiết.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã đưa ra 6 nội dung mới.
Luật Xây dựng sửa đổi, Hiệp hội Bất động sản, xây dựng, họp Quốc hội 
Một là, đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Hiện nay, đa số các dự án sử dụng vốn nhà nước đều có ban quản lý dự án riêng dẫn đến số lượng ban quản lý dự án lớn nhưng năng lực và tính chuyên nghiệp hạn chế. Để khắc phục điều này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp, ban quản lý khu vực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định thiết kế cơ sở cũng là điểm được sửa đổi lần này. Theo quy định hiện nay, người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở và chỉ lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước khi cần thiết. Kéo theo đó, thiết kế cơ sở của dự án sử dụng vốn nhà nước không được kiểm soát ngay từ đầu về quy mô đầu tư, mức độ đáp ứng an toàn, môi trường…làm giảm hiệu quả của dự án và giảm chất lượng xây dựng. Để khắc phục, Dự thảo Luật đã quy định: Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật; Dự án sử dụng vốn từ các nguồn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt. Các quy định mới bao gồm: Quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch theo xây dựng. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương, dẫn tới các công trình được đầu tư dàn trải, khi xây dựng xong không phát huy được tác dụng hoặc chỉ đạt hệ số huy động công suất thấp.
Ba là, tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng tiền kiểm ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng như: Quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn của nhà nước đối với các công trình có quy mô lớn ảnh hưởng lớn đến an toàn sinh mạng và môi trường; yêu cầu đối với các công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Quy định này sẽ khắc phục nhược điểm hiện nay là các quyết định đầu tư được đưa ra một cách khá dễ dãi, sau này bị điều chỉnh nhiều, gây khó khăn cho việc cân đối các nguồn lực. Hơn nữa, đầu tư xây dựng khác với các hoạt động kinh doanh khác, bởi nhiều hoạt động khi đã triển khai, nếu khi hậu kiểm mà phát hiện thì không thể khắc phục, hoặc chỉ có thể khắc phục một cách rất khó khăn, tốn kém. Việc tăng cường tiền kiểm buộc các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải có trách nhiệm cao hơn, khắc phục tình trạng thất thoát, tham nhũng, chất lượng công trình kém.
Bốn là, quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng. Khắc phục tình trạng nợ đọng kéo dài, không bình đẳng trong xã hội giữa chủ đầu tư và người làm thuê.
Năm là, cấp phép xây dựng bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép. Các đối tượng được miễn giấy phép được mở rộng và minh bạch hơn, thủ tục cấp phép cho các loại và quy mô công trình khác nhau sẽ khác nhau nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong việc cấp phép nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Sáu là, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp cụ thể hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương. Trách nhiệm của các chủ thể liên quan tới việc ra quyết định đầu tư cũng được xác định rõ hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã có nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, ông Châu cũng góp ý thêm các dự án khu nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500, có nhà mẫu thì không phải xin giấy phép xây dựng cho từng công trình; đối với dự án nhà ở xã hội làm theo thiết kế mẫu thì việc xin phép xây dựng phải đơn giản hơn. Đối với việc khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng mua các loại bảo hiểm, ông Châu cho rằng nên quy định cụ thể những công trình như thế nào thì bắt buộc phải mua còn lại chỉ nên khuyến khích.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân, kiến nghị cần bổ sung chính sách khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội vào Điều 11 dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi; thêm chế tài để chủ đầu tư, nhà thầu phải tuân thủ đúng quy chuẩn thi công xây dựng, thiết kế, giám sát; đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện việc đầu tư, thi công xây dựng…
Bên lề hội thảo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ thêm: “Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này đã tổng kết thực tiễn, khắc phục những điểm yếu, tránh cực đoan. Có lúc chúng ta quá đề cao vai trò quản lý nhà nước mà xem nhẹ yếu tố thị trường nhưng cũng có thời kỳ quá coi trọng yếu tố thị trường mà xem nhẹ yếu tố quản lý nhà nước, cả 2 cái đó đều cần được khắc phục.”
Dự thảo tiếp tục nhận ý kiến đóng góp trước khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét