Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Rà soát, cải tạo, xây dựng cầu treo dân sinh: Vẫn là bài toán thiếu kinh phí


HNM) - Thống kê của Bộ GTVT và các địa phương cho thấy, đến nay, trong số 1.944 cầu tại 56 tỉnh, thành phố trên cả nước có 1.135 cầu (58%) đủ điều kiện khai thác bình thường; 809 cầu đã bị hư hại, không bảo đảm an toàn.
 Yêu cầu sửa chữa, xây dựng mới cầu treo tại những khu vực đông dân cư là việc làm cấp thiết để tránh tái diễn những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) như vừa qua.

Theo ông Khuất Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), trong 1.944 cầu treo này có 1.833 cầu (94%) nằm trên hệ thống đường liên thôn, liên xã; 6% còn lại, tương đương 111 cầu nằm trên đường huyện. Tuy nhiên, số liệu trên mới ở bước đánh giá sơ bộ của các địa phương, việc xác định chính xác số cầu cần sửa chữa sẽ thay đổi khi đánh giá chi tiết về kỹ thuật. Đa số các cầu được thiết kế tương đương với tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, song vẫn có không ít cầu được thiết kế với tải trọng thấp, chưa có trong tiêu chuẩn thiết kế. Bên cạnh đó, trong khâu quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đang tồn tại nhiều bất cập do việc thiếu vốn, thiếu kiến thức chuyên môn.
 
Điện Biên cần nhiều hơn cầu treo dân sinh để người dân tiện đi lại.
Điện Biên cần nhiều hơn cầu treo dân sinh để người dân tiện đi lại.

Đại diện nhiều địa phương cho biết, số lượng cầu treo dân sinh phải đầu tư cải tạo là rất lớn, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí. Rõ nhất là tỉnh Điện Biên hiện có gần 60 điểm cần xây dựng gấp cầu treo dân sinh, nhưng hằng năm tỉnh chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, trong khi để đầu tư 60 cầu treo phải chi phí gần 290 tỷ đồng... Do đó, trong khi đợi trung ương hỗ trợ, giải pháp trước mắt của các địa phương chỉ là lắp đặt hệ thống biển báo cầu yếu và hướng dẫn người dân về cách sử dụng, vận hành cầu an toàn; nghiêm cấm phương tiện cơ giới quá tải trọng đi qua; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý các cầu treo…

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm 2013, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ về đề án xây dựng cầu treo dân sinh nhằm bảo đảm an toàn dân sinh cho các vùng dân tộc thiểu số. Trong đó xác định 186 vị trí tại địa bàn 28 tỉnh để triển khai trước với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị huy động từ các nguồn ngân sách, ODA và xã hội hóa. Tuy nhiên, trước mắt chưa xác định được số vốn thông qua hình thức xã hội hóa, chưa có các dự án ODA, nên Bộ GTVT đề nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách 350 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Sau khi thực hiện đầu tư 186 cầu treo tại 28 tỉnh, Bộ tiếp tục trình đề án xây cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại cuộc họp rà soát và cải tạo, xây dựng cầu treo dân sinh vừa được tổ chức vào cuối tháng 3-2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngay trong quý II-2014 phải xong toàn bộ mọi quy trình thủ tục để có thể triển khai đồng loạt 186 cầu này và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật tình trạng cầu treo trên cả nước, làm rõ cầu nào cần dừng khai thác, cầu nào cần sửa chữa cũng như rà soát biển báo sao cho phù hợp với tải trọng thực tế. Đối với những công trình xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ, sự cố thì phải tạm ngừng khai thác để sửa chữa hoặc dừng vĩnh viễn nếu không sửa chữa được, tổ chức làm cầu mới.
 
Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sẽ đầu tư trước 186 cầu treo dân sinh, sau khi hoàn thành và bàn giao công trình, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cân đối vốn hằng năm trả dần cho xí nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét