Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

KTS Lê Văn Lân: Không đâu nguy hiểm hơn Cung thiếu nhi Hà Nội


(VnMedia) - “Tôi đảm bảo rằng, các cơ quan an ninh và cứu hỏa chưa có dịp đến đây, nếu đến, họ không thể không rùng mình…, thực sự không đâu nguy hiểm, đáng sợ hơn!” - KTS từng viết như vậy trong thư gửi Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh.


Ảnh minh họa
Kiến trúc sư Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội - ảnh: Tuệ Khanh

Như VnMedia đã có bài phỏng vấn KTS Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội cách đây gần 50 năm, trong đó ông có nói “rất tiếc” về cách mà người ta đang sử dụng “ngôi nhà tuổi thơ” này. Trao đổi với VnMedia, KTS Lê Văn Lân cho biết, ông thực sự lo sợ cho sự an toàn của các cháu nhỏ, bởi cách mà người ta đang tận dụng công trình này.

Tác giả Cung thiếu nhi cho biết, hai năm trước, ông đã viết một bức thư trình Thành phố về tình trạng kém an toàn ở Cung thiếu nhi do hầu hết các hành lang, các lối thoát nạn sự cố, sảnh... gần đây đã bị ngăn vụn ra bằng song sắt để tổ chức rất nhiều lớp học trong đó.

Ai trông thấy cũng khiếp toát mồ hôi, không may xảy ra điều gì, các cháu khó hy vọng thoát ra ngoài được. Kể cả bên ngoài nhà, người ta vô cớ trồng những cây cổ thụ sát vào tường, rễ lá bắt đầu phá hoại. Những cung cách này có khác nào tội hủy hoại công trình?” - KTS Lê Văn Lân nói.

Ảnh minh họa
Một cầu thang lên xuống bị ngăn lại, khóa kín rất nguy hiểm

Bức thư kêu cứu

Với sự lo lắng cho sự an toàn của cháu nhỏ, trong đó có cả trách nhiệm của người đã thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội, đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10/2012, KTS Lê Văn Lân đã viết một bức thư với những lời cảnh báo hết sức cấp bách gửi tới bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND Thành phố, và cũng là người mà ông cho là “có duyên nợ nhất” với tuổi thơ Hà Nội.

Nhắc lại thời gian cách đây 40 năm, khi mà công trình Cung thiếu nhi được xây dựng trong lúc Thành phố còn “thiếu thốn trăm bề”, ông viết: “có ai hình dung được chỉ cần mấy viên gạch màu nâu đỏ để trang trang trí thôi cũng phải Chủ tịch UBND Thành phố, Bộ trưởng Bộ Vật tư và Bí thư Quảng Ninh can thiệp mới mua chở về được!. Cho đến nay, công trình vẫn là điểm đến hàng đầu của trẻ em Hà Nội, nơi cả nước nhìn vào để học tập kinh nghiệm. Kiến trúc công trình ấn tượng trước thời gian, đã được xếp loại là một trong những công trình cần được bảo vệ ở Hà Nội, được xây dựng vào cuối thế kỷ XX, thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ tài năng đã từ nơi đây trưởng thành.”

Thừa nhận điều không tránh khỏi là công trình “ngày một xuống cấp, tự hao mòn hủy hoại nhiều”, nhưng ông cũng chỉ ra rằng, “do ta chủ động phá hỏng cũng không ít.”

Cách tổ chức vui chơi học tập đã nhiều thay đổi; số lượng các em đến sinh hoạt tăng lên quá tải, công trình xuống cấp trầm trọng; Trẻ em ra vào, gửi xe, cùng với người lớn đưa đón gây cản trở giao thông; Nhiều xây dựng chắp vá, một số cây trồng thêm vô tổ chức, làm hỏng cảnh quan và hỏng công trình, nhất là phần ngầm; Một số loại vật tư đã hết hạn sử dụng, thiếu an toàn. Có loại chỉ dùng ở những năm 70 thế kỷ trước, nay không đâu còn dùng nữa, kể cả trong kiến trúc chuồng trại (ví dụ như cửa khung bằng thép hình thành công nghiệp); Chức năng vui chơi tập thể và sinh hoạt đang nhường chỗ cho chức năng học, tất cả là những lớp học, một loại “trường” nối tiếp ngoài các trường phổ thông.” - KTS liệt kê những hiện tượng mà ông cho là “nảy sinh có tính cấp bách”.
Ảnh minh họa
Các cửa ra hành lang luôn bị khóa chặt khiến KTS Lê Văn Lân lo sợ

Sợ hãi thực sự

KTS Lê Văn Lân viết: “Những điều trên ai cũng biết, tiếc là cứ để vậy cho ngày một tệ hơn. Song thư này gửi đến chị, vì một việc, làm tôi sợ hãi thực sự, đó là vấn đề an toàn cho các cháu."

"Thưa chị, Cung là một nơi sinh hoạt đông người, chủ yếu lại là trẻ em. Vậy mà, cửa thoát nạn, các hành lang, các lối liên hệ hầu như đã được khóa hoặc ngăn vụn thành không biết bao nhiêu là lớp học. Đâu cũng lớp học, ở hầm, ở kho chứa, ở nơi hóa trang, phục trang, nơi chờ diễn, ở sảnh… Vẫn chưa đủ, mái được cơi lên để làm nhiều lớp học nữa
!” - KTS Lê Văn Lân thẳng thắn chỉ rõ.

Tôi đảm bảo rằng, các cơ quan an ninh và cứu hỏa chưa có dịp đến đây, nếu đến họ không thể không rùng mình. Vì ở ngoài kia, nhất là những công trình đang xây dựng, họ rà soát từng xăng ti mét chiều rộng lối thoát, từng chiếc cửa đóng mở, từng thiết bị báo cháy, báo khói, áp lực từng vòi bơm. Tôi cũng có điều kiện lui tới nhiều nơi, thăm nhiều công trình, gần như khắp đất nước, thực sư không đâu nguy hiểm đáng sợ hơn!” - Tác giả Cung thiếu nhi rùng mình sợ hãi về cách mà người ta đang ứng xử với đứa con tinh thần của mình và đau xót thêm rằng: “Câu chuyện vì quản lý kém, một công trình văn hóa có thể trở nên vô văn hóa, một ý nghĩa chính trị trở nên không chính trị, chúng ta cũng biết ở vài nơi…”.

KTS Lê Văn Lân cũng cho biết thêm: “Trước đây 2 năm (năm 2010 - PV), Chủ đầu tư (Thành đoàn Hà Nội) có thuê người vẽ lại Cung thiếu nhi, nói là cải tạo nâng cấp. Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố sau đó đã chỉ đạo rõ: Phải giữ nguyên kiến trúc của công trình cũ, dỡ bỏ những phần làm thêm chắp vá, hoàn thiện theo những yêu cầu mới… Đúng đắn là vậy, mà từ đó đến nay tuyệt nhiên không có một triển khai nào. Trong lúc đó, về phần mình là tác giả công trình, tôi đã tự liên hệ với đơn vị tư vấn mà Thành đoàn từng thuê để tìm hiểu và hỗ trợ về kiến trúc trên tinh thần của những đồng nghiệp.”
Ảnh minh họa
Các lớp học liên tục chiêu sinh cho thấy Chức năng vui chơi tập thể và sinh hoạt đang nhường chỗ cho chức năng học

Được biết, sau khi KTS Lê Văn Lân gửi bức thư đi, ngày 23/11/2012, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND Thành phố đã có thư “xin hoan nghênh và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết” của KTS Lê Văn Lân đối với công trình Cung thiếu nhi Hà Nội". Bà Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho biết thường trực HĐND Thành phố sẽ làm việc với UBND Thành phố để kiểm tra, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Cùng ngày, HĐND Thành phố cũng đã có phiếu chuyển đơn gửi UBND Thành phố.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo KTS Lê Văn Lân thì “mọi sự vẫn chưa có gì thay đổi”.

Trước thông tin Hà Nội dự kiến xây một Cung thiếu nhi mới tại Cầu Giấy, KTS Lê Văn Lân cho rằng, xây thêm là tốt, nhưng trước hết, hãy sử dụng đúng công năng và hiệu quả công trình hiện có. Nếu không "có xây thêm bao nhiêu công trình thì các cháu vẫn thiếu chỗ vui chơi."

Về mặt chất lượng, tất nhiên sau khi dùng nhiều năm, sự xuống cấp là đương nhiên. Nhưng ngay giờ phút này, nó vẫn tử tế và đàng hoàng hơn rất nhiều so với những công trình chuẩn bị đặt móng thi công. Nếu sử dụng đúng mục đích thì nó lại lộng lẫy, hấp dẫn.” - KTS lê Văn Lân khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét