Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Hà Nội:Quy hoạch giấy, khó xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo!

Thành phố đang chỉ đạo quyết liệt xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, tuy nhiên ông Thịnh cũng thừa nhận áp dụng trên thực tế là rất khó.
Hiện thành phố hiện có khoảng 200 nhà siêu mỏng, siêu méo.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố HN cho biết, số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Hà Nội không ít. Để xử lý được những trường hợp này bắt buộc các quận, phường phải xử lý dứt điểm ngay khi mới có chủ trương mở đường.
Những ngôi nhà dị hình trên thành phố Hà Nội
Những ngôi nhà dị hình trên thành phố Hà Nội
Ngay trong lúc Hà Nội đang ra sức chỉ đạo xử lý những ngôi nhà dị hình trên địa bàn thủ đô thì Bộ Xây dựng lại đưa ra Dự thảo quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan với nội dung kích thước tối thiểu lô đất xây dựng nhà ở liền kề là 25m2 (rộng 2,5m, dài 10m)” của Bộ Xây dựng ban hành.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với dự thảo này Bộ Xây dựng đã hợp thức hóa nhà siêu mỏng, siêu méo, đồng thời sẽ biến thành phố thành dị hình, méo mó.
Đã khó lại chồng khó, không hiểu Hà Nội sẽ xử lý thế nào nếu dự thảo của Bộ Xây dựng chính thức được ban hành?
Quyết phương án xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Ngày 8/4, UBND quận Đống Đa, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã rà soát thực địa và quyết các phương án xử lý cụ thể từng trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.
Qua rà soát, có 29 trường hợp nhà có diện tích dưới 15m2 trên tuyến và thống nhất phương án cụ thể ghi trên bản vẽ. Theo quy định quản lý kiến trúc tạm thời, các ô đất diện tích dưới 4m2, UBND quận Đống Đa thu hồi.
Ô đất từ 4 đến 15m2, có kích thước hình học không hợp lý, chủ công trình có thể xây dựng tạm quy mô 1 tầng, cao không quá 4,5m hoặc bàn giao cho UBND quận chỉnh trang, phục vụ mục đích công cộng.
Ô đất có kích thước trên 15m2 có kích thước hợp lý chủ công trình được cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp trong khi chờ triển khai quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường để bảo đảm mỹ quan đô thị.
Được biết, trên chiều dài hơn 500m, có tới gần 50 công trình siêu mỏng, siêu méo. Trong đó, 20 trường hợp đã tự hợp khối; còn tồn tại 9 trường hợp diện tích dưới 4m2, 20 trường hợp từ 4 đến 15m2.
Điều này khiến Bí thư Phạm Quang Nghị không hài lòng, ông đã quy rõ trách nhiệm với lãnh đạo quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo ngoài vấn đề buông lỏng quản lý của địa phương, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng phải có trách nhiệm vì chỉ ngồi văn phòng rồi làm quy hoạch trên giấy.
Bí thư cho rằng, thực trạng trên dẫn đến không lường hết những rắc rối phát sinh. Nếu vừa quy hoạch trên giấy, vừa có thực tế sẽ phát hiện ra ngay ra chỗ thừa, chỗ thiếu để phê duyệt thu hồi ngay từ đầu. Mặt khác nếu được làm "rắn" thì người dân dù có cố tình vi phạm cũng sẽ xử lý được.
Bí thư Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Không ít nơi nguyên nhân chủ yếu đều do công tác cán bộ, biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ. Thậm chí còn thỏa thuận ngầm, bắt họ nộp tiền rồi không phá dỡ”.
Yêu cầu tập trung xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết sẽ nhìn vào đó để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch quận Đống Đa. Nếu còn để tình trạng “thò ra, thụt vào” lãnh đạo quận Đống Đa sẽ phải chịu trách nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét