Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Vì sao chi phí đường sắt Cát Linh - Hà Đông vọt lên 891 triệu USD?


Bộ Giao thông vận tải vừa có thông tin chính thức về việc phải tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ 553 triệu USD lên 891 triệu USD.

Theo Bộ Giao thông vận tải, có 9 nguyên nhân khiến Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông phải tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cụ thể:  thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm, phương abs vận chuyển lao lắp dầm; do áp dụng quy trình quy phạm của Trung Quốc; biến động giá, thay đổi tỷ giá; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận rằng, sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư Dự án sẽ không thể dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu.

Thay vào đó, để hoàn thành 13,05 km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được 100.000 lượt khách/ngày đêm sẽ cần thêm 339 triệu USD.

Trong số các khoản phát sinh tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nặng nhất là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (25 triệu USD)…

Điều đáng nói là, chỉ riêng Gói thầu số 1 - gói thầu chính của Dự án bao gồm các phần việc: thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp được trao cho Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) thực hiện - đã phát sinh thêm khoảng 250,8 triệu USD.

Trong thông cáo báo chí phát đi vừa qua, Bộ Giao thông vận tải không cho biết cụ thể phần vốn phát sinh sẽ được lấy từ nguồn nào nhưng nhiều khả năng Dự án sẽ tiếp tục phải vay thêm vốn ODA của Trung Quốc.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường sắt đô thị  Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp,  được bắt đầu nghiên cứu Báo cáo Nghiên cứu khả thi từ đầu năm 2004, nên các đơn vị Chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam) và Tư vấn lập dự án (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - TEDI) chưa có nhiều kinh nghiệm.

Do vậy, Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở còn có những nội dung cần phải thay đổi trong quá trình thiết kế kỹ thuật và thi công sau này để phù hợp thực tế.


Bên cạnh đó, khoảng thời gian từ đó đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư được là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD. Tuy nhiên, tính toán của Chủ đầu tư và TEDI cho thấy do giá cả và chế độ chính sách thay đổi, nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD.

Liên quan tới hợp đồng EPC ký giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc được ký vào tháng 5/2009, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Hợp dồng có nội dung chính: Giá hợp đồng là tạm tính và chỉ được sử dụng cho việc tạm ứng hợp đồng; việc thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành dựa trên khối lượng trong thiết kế kỹ thuật và đơn giá trong dự toán được cấp thẩm quyền.

Theo thông tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn,  mặc dù công trình chính thức được động thổ vào tháng 10/2011, nhưng Hợp đồng EPC đã được Cục Đường sắt Việt Nam trao cho Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (Trung Quốc) từ tháng 5/2009, với tổng giá trị hợp đồng 350,6 triệu USD. Theo điều 8 của Hợp đồng EPC, thời gian thực hiện không được vượt quá 48 tháng trừ các trường hợp chậm trễ không do lỗi của nhà đầu tư.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình này vào khai thác trong năm 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét