Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Tăng chất lượng cuộc sống từ kiến trúc xanh


KTĐT - Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là xu hướng mà thế giới đã và đang hướng tới.
Tại Việt Nam, khái niệm kiến trúc xanh không còn quá xa lạ. Bởi trong thời gian gần đây việc xây dựng tiêu chuẩn về công trình xanh, thân thiện với môi trường đã trở thành mục tiêu mà các nhà kiến trúc, xây dựng, chủ đầu tư hướng đến.
 Con người là tâm điểm
Nếu trước đây, các công trình xây dựng thường đưa thêm tiêu chí kiến trúc xanh để thu lợi về kinh tế, thì hiện nay quan điểm đó gần như bị xóa bỏ, khi bản thân giới chuyên môn, đơn vị quản lý xây dựng cũng như chủ sở hữu, người sử dụng đã nhìn thấy giá trị, lợi ích thực mà kiến trúc xanh mang lại. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Hầu hết tác phẩm đạt giải thưởng Kiến trúc xanh 2013 - 2014 đều hướng đến và lấy con người làm tâm điểm. Cụ thể, con người là chủ thể tác động của kiến trúc đó. Sự thân thiện của công trình còn được đánh giá qua đối tượng nó tác động đến khi xây dựng (đối tượng phải GPMB, bị lấy đất) đến đối tượng được hưởng, phục vụ sau này. Tính nhân văn, nhân bản trong mỗi công trình được đề cao hơn".Đồng quan điểm đó, KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: "Nhiều người vẫn nghĩ đô thị đơn thuần chỉ là không gian vật chất (nhà cửa, đường sá…) nhưng thực chất là không gian sống, nơi diễn ra các hoạt động, việc làm, giao tiếp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Do đó, không gian sống làm sao giúp con người tăng tính sáng tạo, hiệu quả công việc, tính tương tác lẫn nhau mới là quan trọng".
Không gian vui chơi của trẻ em tại khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá II.                                                             Ảnh: Hà Nguyên
Không gian vui chơi của trẻ em tại khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá II. Ảnh: Hà Nguyên
Thực tế cuộc sống hiện đại, con người phải đối mặt với nhịp sống gấp gáp, không gian chật chội. Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu khốc liệt đang diễn ra. Nhu cầu về cuộc sống chất lượng, tăng khả năng tái tạo lại càng cao. Kiến trúc xanh giải quyết điều đó, hướng tới không gian xã hội xanh, nơi con người hưởng lợi từ thiên nhiên, trong sự hòa nhập, gắn bó. Đồng thời qua đó nâng tính chủ động, ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường sống cho hiện tại và tương lai của con người.
Lan tỏa đến các công trình
Có thể thấy trong mấy năm trở lại đây, xu hướng kiến trúc xanh, không gian xanh đã có một sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh đến các công trình và đa dạng về thể loại, hình thức. Từ khu du lịch nghỉ dưỡng, không gian cộng đồng mở đến công trình nhà ở, thậm chí đến cả nhà cho người thu nhập thấp, cơ quan công quyền…, yếu tố môi trường, thân thiện với thiên nhiên, hữu ích sử dụng cho con người đều được chú trọng.
Ví như kiến trúc của Trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng được xây dựng rất đơn giản, thân thiện với môi trường, thiên nhiên. 95,6% cây xanh cổ thụ tại khu vực xây dựng công trình được giữ nguyên. Hay như công trình nhà ở dành cho người có thu nhập thấp Đặng Xá II của Tổng Công ty Viglacera cũng là một dấu ấn kiến trúc xanh đáng chú ý. Nhà thu nhập thấp từ trước tới nay thường bị coi là công trình giải quyết vấn đề chỗ ở, chất lượng sống không cao. Tuy nhiên, với khu Đặng Xá II, chủ đầu tư Viglacera đã cố gắng đem lại một không gian sống thông thoáng nhất cho người dân cùng nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích, sinh hoạt cộng đồng chất lượng như công viên, nhà trẻ, bệnh viện… Cư dân thực sự đã được hưởng một cuộc sống chất lượng.
Với tình hình thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, chi phí xây dựng cho công trình xanh không phải là nhỏ, nhưng ngày càng có thêm các công trình kiến trúc xanh được xây dựng là một tín hiệu đáng mừng. Khẳng định tầm quan trọng, giá trị của kiến trúc xanh với cuộc sống hiện đại, KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Kiến trúc xanh không chỉ dừng ở việc tạo dựng nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường mà còn hướng đến tận dụng các vật liệu tự nhiên, không nung, vật liệu của địa phương, phát huy nét truyền thống trong nhịp sống hiện đại".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét