Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

"Khôi phục được cầu Long Biên như cũ thì rất tốt”



(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia xung quanh việc Bộ Giao thông đưa ra 3 phương án xây dựng mới và bảo tồn cầu Long Biên, PGS Nguyễn Phi Lân cho rằng, nếu khôi phục được toàn bộ cầu cũ thì rất tốt.

>>
Di dời cầu Long Biên để xây cầu vượt đường sắt mới?

- Thưa PGS, Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra 3 phương án để Hà Nội lựa chọn trong việc xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Quan điểm của ông như thế nào về các phương án do Bộ Giao thông đưa ra?

PGS Nguyễn Phi Lân, Trưởng Khoa Cầu -  Đường, Đại học Xây dựng: Theo tôi, phương án đẹp nhất là tái tạo lại cầu cũ. Việc này lệ thuộc nhiều vào kinh tế. Còn phương án, di chuyển cả làn cầu sang thượng lưu thì thà bỏ đi cho xong. Vì nếu tháo ra khỏi vị trí đó, nó chỉ như một giàn thép bình thường chẳng còn ý nghĩa gì cổ kính.

Còn phương án 3, nếu giữ nguyên thì các nhịp cũ sẽ dùng làm gì? Tôi cho rằng, phương án tốt nhất là khôi phục lại toàn bộ cây cầu này và sử dụng lâu dài nhưng để làm được việc đó sẽ rất tốn kém và đắt đỏ; thậm chí còn đắt hơn cả cầu mới. Cũng có một phương án khác là xây cầu mới và đem giàn thép này đi bảo tàng.

Tóm lại, cá nhân tôi ủng hộ hai phương án trên. Tùy vào điều kiện kinh tế, nếu khôi phục được toàn bộ cây cầu cũ thì quá đẹp nhưng sẽ rất tốn kém. Hoặc phải mang giàn thép đi đâu đấy, không để mấy giàn thép cũ lại trông rất nhí nhố.
 Ảnh minh họa
Bộ Giao thông vừa đưa ra 3 phương án để xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Ảnh: Internet.
 - Trong 3 phương án đưa ra, Bộ Giao thông vận tải lưu ý Hà Nội nên lựa chọn phương án 1 vì tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng so với phương án 2 và 2.000 tỷ đồng so với phương án 3. Ông nói sao về điều này?
Việc bảo tồn có hai cách. Bây giờ nếu theo phương án 1 - bảo tồn mà lại đem 9 nhịp cũ để xây trụ mới, xong đặt cái cũ lên thì trông không khác gì đồ rởm. Tuy nhiên, nếu dỡ hẳn giàn thép đi chỗ khác coi như để lại kỷ niệm thì được. Hơn nữa, bây giờ tháo giàn thép cũ ra, đặt vào một ví trí xây mới là rất khó.

Như tôi đã đề cập, tôi ủng hộ phương án sửa lại toàn bộ cây cầu được như cũ là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu đắt quá có thể chọn phương án dịch chuyển toàn bộ khung thép lên thượng lưu. Sau đó, làm cầu mới cho vấn đề giao thông vận tải.


- Thưa PGS, việc dịch chuyển toàn bộ khung thép lên thượng lưu để làm cầu mới tại vị trí cũ có làm mất đi kiến trúc cổ?
Điều này không mất nhiều lắm. Vì hình ảnh cầu Long Biên chủ yếu đi vào hình dáng là chính. Còn vấn đề sử dụng, bây giờ về lâu về dài, nếu không sử dụng thì nó sẽ xuống cấp.

Tôi cho rằng, trông thế thôi nhưng khoảng vài chục năm nữa cầu Long Biên sẽ không tồn tại  nếu để quá đà. Hiện cây cầu này đang mỗi ngày một xuống cấp. Cho nên, một là phải gia cố làm lại như mới. Hai là, đưa ra vị trí khác để bảo tồn. Tuy nhiên, cần phải làm thế nào để không mất mỹ quan.

- Thưa PGS, cũng có một số ý kiến cho rằng, nên để cây cầu cũ này lại tại vị trí hiện tại để giữ lại nét văn hóa của Hà Nội xưa, còn xây mới một cầu đường sắt khác ở cạnh bên. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Giao thông đường sắt hiện nay đang bí như canh hẹ. Ngày xưa khi làm cầu Thăng Long, phương án đầu tiên là định làm cầu để giải quyết đường sắt nhưng nếu làm như vậy sẽ quá tốn kém. Hơn nữa, nếu phải đi vài chục cây số xong lại quay xuống Hải Phòng thì người ta sẽ không đi nữa.

Theo tôi, nếu làm một đường sắt mới thì không hiện hữu vì không có tiền. Bây giờ, chỉ cần chuyển dịch vị trí làm cầu đường sắt mới sang vị trí khác thì sẽ phải giải phóng mặt bằng rất nhiều và rất tốn kém.

Tiền xây cầu sẽ chẳng thấm vào đâu nhưng nếu mở một tuyến mới chỉ cách 1-2 cây số thì sẽ đội lên rất cao. Hơn nữa, cả hệ thống đường sắt cũ cũng phải làm lại hết. Việc này không hề đơn giản.

Theo tôi, các phương án sửa cầu mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra, họ cũng phải “đau đầu” mấy chục năm rồi chứ không ít. Cho nên, người ta vẫn phải sử dụng lại vị trí đường sắt cũ không có gì thay đổi được.

Hiện nay, để làm được một tuyến đường mới trong nội đô Hà Nội là cực kỳ tốn kém. Đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội cũng chỉ vì vấn đề không thể dẹp ra được.

- Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

                                      3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên
Phương án 1 là: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Theo Bộ GTVT, với phương án 1, cầu Long Biên hiện nay sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng bằng cách gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ hai bên cầu phục vụ du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ nét cổ kính xưa của cầu Long Biên - Hà Nội.

Phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà). Theo phương án này, việc bảo tồn cầu cũ là bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển.

Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Thực hiện phương án này sẽ giữ lại chín nhịp cầu còn nguyên bản phía Hà Nội để bảo tồn mang tính nguyên bản, nghĩa là giữ nguyên cầu cũ, không thay đổi vị trí và kết cấu.

Theo Bộ GTVT, cả 3 phương án trên diện tích chiếm dụng đất của dự án đều hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân với chi phí giải phóng mặt bằng từ 867 tỉ đồng (phương án 1 và 2) đến 989 tỉ đồng (phương án 3). Phương án 1 chi phí xây dựng cần 7.982 tỉ đồng, phương án 2 cần 9.094 tỉ đồng, phương án 3 cần 9.389 tỉ đồng. Trên cơ sở so sánh các phương án, Bộ GTVT cho rằng phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét