Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Chân Mây - Lăng Cô, đô thị trong tương lai


 
Bốc dỡ hàng tại cảng Chân Mây.  Ảnh: ÐỨC THANH
Bốc dỡ hàng tại cảng Chân Mây.  Ảnh: ÐỨC THANH
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nằm ở cực nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, có cảng nước sâu Chân Mây, vịnh biển Lăng Cô đẹp nhất thế giới, đèo Hải Vân, Vườn quốc gia Bạch Mã. Ðặc biệt nằm giữa hai đô thị lớn (Huế - Ðà Nẵng); là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế đông - tây, nối các nước Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan và Mi-an-ma. Từ một vùng đất nghèo thuộc huyện Phú Lộc, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ngày càng phát triển trở thành đô thị hiện đại trong tương lai.
Nghị quyết dần đi vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và ban hành Nghị quyết Chương trình hành động về phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ra Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy nhằm đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2020.
Mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sau hơn bảy năm thành lập và đi vào hoạt động (2006 - 2013), Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Phú Lộc cùng với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu từng bước đưa vùng đất nghèo, giàu tiềm năng, lợi thế thành vùng kinh tế động lực phát triển mạnh của tỉnh; diện mạo Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều thay đổi và trở thành đô thị trong tương lai gần. Hoàn thành một số quy hoạch lớn, như Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tổng diện tích 27.108 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số dự án quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa chiến lược như Quy hoạch cảng Chân Mây, khu đô thị Chân Mây do tư vấn nước ngoài thực hiện. Kết cấu hạ tầng khu kinh tế từng bước hoàn thiện. Hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom xử lý nước thải, bãi chôn lấp chất thải rắn đáp ứng nhu cầu phục vụ công nghiệp và dân sinh. Bệnh viện Ða khoa được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và người lao động trên địa bàn. Ðã thu hút được 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 35.474 tỷ đồng, nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án lớn, nhất là dự án du lịch Laguna Lăng Cô với tổng vốn đầu tư 875 triệu USD. Dự án mở rộng kho dầu từ 7.000 m3 lên 50.000 m3 và xây dựng cảng dầu 30.000 DWT của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thật sự trở thành động lực phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Khu kinh tế động, đô thị trong tương lai
Với quyết tâm chính trị cao, Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế nỗ lực phấn đấu quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Biến vùng đất nghèo thuộc huyện Phú Lộc trở thành đô thị hiện đại, thành phố đáng sống trong tương lai, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp, là khu kinh tế động lực quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tỉnh phải tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào khu kinh tế và từng bước hình thành đô thị Chân Mây; trước hết xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông. Trong định hướng phát triển đô thị mới Chân Mây đến năm 2020 có quy mô dân số là 120.000 người, tổng quỹ đất xây dựng đô thị 4.000 ha; bao gồm các khu chức năng để bảo đảm xây dựng Chân Mây thành đô thị phát triển về cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; khu trung tâm và khu dân cư đô thị mới Chân Mây được quy hoạch về phía Tây Nam của cảng. Nhưng điều quan trọng là phải có tầm nhìn xa hơn về quy hoạch khi tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Huế là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Trước hết là quy hoạch về đất đai, về quy mô dân số, đào tạo nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đặc biệt về không gian phát triển, không gian phát triển hợp lý nhất của đô thị Chân Mây phải được mở rộng đến cả khu vực thị trấn Lăng Cô; đây là giải pháp phát triển tốt nhất vừa mở cửa ra biển lớn, lại gần Ðà Nẵng để có điều kiện phát triển nhanh hơn. Trong quá trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ngoài nội lực phát triển của chính mình, phải liên kết, hợp tác với hệ thống các khu kinh tế động lực ven biển như: Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội và các khu kinh tế khác để tạo thành trục phát triển kinh tế biển. Nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền trung (Huế - Ðà Nẵng), có cảng nước sâu Chân Mây, vịnh biển Lăng Cô rất đẹp, gần cảng hàng không Phú Bài và Sân bay quốc tế Ðà Nẵng. Ðây là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để đô thị Chân Mây - Lăng Cô phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, đặc biệt về cảng biển, giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp. Ðồng thời, hướng tới thị trường đông bắc Thái-lan, Trung Nam Lào và đông bắc Cam-pu-chia để tạo thành động lực phát triển toàn diện, hạt nhân tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung; góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét