Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Chung cư sắp sập vẫn chưa được cải tạo

Người dân tại Khu tập thể P16A Thụy Khuê phải sử dụng các cột chống để gia cố ngôi nhà.
Người dân tại Khu tập thể P16A Thụy Khuê phải sử dụng các cột chống để gia cố ngôi nhà.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 1.150 chung cư cũ cần được cải tạo, xây dựng lại, trong đó có ba công trình nguy hiểm cấp độ D, cấp độ phải di dời các hộ dân để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ rất chậm trễ.
Trải qua hơn bốn mươi năm sử dụng, nhà tập thể C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đơn nguyên số ba của khu nhà bị nứt gãy, sụt lún nghiêm trọng. Mối liên kết giữa dầm cầu thang và tường chịu lực bị tách rời, cốt thép lộ ra, gỉ sét ăn mòn. Các dầm ngang, chiếu nghỉ, chiếu tới cầu thang từ tầng hai đến tầng năm bị kéo ra khỏi tường chịu lực, có những điểm tách rời hơn 15 cm. Mái nhà cũng bị đứt gãy, tách rời, khiến cho mỗi khi mưa to, nước mưa chảy xuống cầu thang, hệ thống đồng hồ đo điện và tràn vào nhà một số hộ dân ở tầng bốn, tầng năm. Tòa nhà đã được các cơ quan chức năng kiểm định, xác định nguy hiểm ở cấp độ D, cấp độ phải di dời các hộ dân để bảo đảm an toàn.
Ông Hoàng Văn Nhâm, Tổ trưởng tổ dân phố 39, sống tại đơn nguyên số ba cho biết, nhà C8 Giảng Võ, bao gồm cả ba đơn nguyên đã được cơ quan chức năng kiểm định, xác định nguy hiểm cấp độ C từ năm 2009. UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư dự án, tiến hành nghiên cứu, lập dự án cải tạo, xây dựng mới toàn bộ nhà C8, nhưng cho đến nay dự án chưa triển khai. Người dân vừa lo lắng về sự xuống cấp của ngôi nhà, vừa băn khoăn không biết khi nào chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại, thời gian tạm cư, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đối với các hộ dân như thế nào... để yên tâm di chuyển đến nơi tạm cư. Người dân đã kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt phương án xây lại toàn bộ chung cư C8 và bố trí tái định cư tại chỗ đối với các hộ dân đang sinh sống tại đây.
Cùng chung cảnh ngộ với người dân nhà C8 Giảng Võ, gần 30 hộ dân sinh sống tại khu tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ cũng đang rất hoang mang, lo lắng khi phải sống trong tòa nhà bị lún, nứt và nghiêng khoảng 15 độ. Nhiều ý kiến của các hộ dân đang sinh sống tại đây cho biết, từ giữa năm 2012, khi dự án cao ốc Hồ Tây ngay bên cạnh thi công phần móng với thiết kế công trình gồm ba tầng hầm và 17 tầng nổi đã làm tòa nhà bị sụt lún, nứt và nghiêng nghiêm trọng, khiến người dân mất ăn, mất ngủ. Để bảo đảm an toàn, UBND thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công và lập phương án gia cố, bảo đảm an toàn cho các công trình liền kề. Tuy nhiên, do chưa thống nhất việc bồi thường, khắc phục thiệt hại với chủ đầu tư, đến nay vẫn còn 16 trong số 29 hộ dân đang sinh sống ở đây. Người dân mong muốn chủ đầu tư sớm khắc phục sự cố để ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.150 nhà chung cư cũ, phần lớn xây dựng trước năm 1980, với tổng diện tích khoảng 1,7 triệu m2 cần được cải tạo, xây dựng lại. UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư thực hiện điều tra xã hội học, phổ biến chính sách đến cộng đồng dân cư, khảo sát hiện trạng, xác định ranh giới nghiên cứu quy hoạch và xây dựng nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết, xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư... Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có ba dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tám dự án được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch. Ba dự án đang bị đề nghị thu hồi do chủ đầu tư không thực hiện. Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình... hoàn chỉnh hồ sơ, điều tra xã hội học...
Nguyên nhân có nhiều, do trong quá trình sử dụng các hộ dân đã tự cơi nới, xây dựng trên diện tích đất trống, sân chung, dẫn đến diện tích xây dựng và dân số tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu;
Mặc dù thành phố có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhưng do phần lớn các khu chung cư nằm trong phạm vi phải hạn chế phát triển chiều cao, mật độ dân cư... cho nên không thu hút các chủ đầu tư;
Trong quá trình thỏa thuận quy hoạch, hoàn tất các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng, đất đai đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với người dân về diện tích nhà tái định cư, các khoản kinh phí hỗ trợ;
Nhiều người dân cố tình đưa ra các đòi hỏi vô lý, không phù hợp về diện tích tái định cư, tiền bồi thường, cố tình không bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, quỹ nhà tạm cư, tái định cư còn thiếu...
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, nhà nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực thực hiện theo Nghị quyết số 17/2013/NQHĐND của HĐND thành phố về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư, người dân thuộc phạm vi dự án. Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cải tạo các chung cư cũ theo quy hoạch chung, quy chế quản lý xây dựng công trình cao tầng; tăng cường phổ biến chính sách cải tạo chung cư cũ đến cộng đồng dân cư. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt choe chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có phương án di dời tại các chung cư nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét