Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Vinh danh châu Á: Royal City “đồng hạng” Đặng Xá, “dưới chiếu” Ecopark

Mới đây, VinGroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng tự hào khi được vinh danh kép tại giải thưởng Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương 2014. Tuy nhiên, trong danh sách nhận giải năm nay, dự án với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đô la của VinGroup là Khu phức hợp Royal City chỉ được xếp ngang hàng với KĐT Đặng Xá của Viglacera và nằm “dưới trướng” KĐT Ecopark của Việt Hưng.
Việc Việt Nam được ghi tên tại Giải thưởng Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương 2014 (Asia Pacific Property Award 2014) vừa tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) như tô thêm chút điểm sáng lên thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang phẳng lặng.

Royal City chỉ được xếp ngang hàng với KĐT Đặng Xá của Viglacera và nằm “dưới trướng” KĐT Ecopark của Việt Hưng.

Khi doanh nghiệp BĐS hàng đầu VN tụt hạng
Giải thưởng này được CTCP Tập đoàn VinGroup – doanh nghiệp được coi như đầu tàu với vốn hóa thị trường lớn nhất trong nhóm các công ty cùng ngành - cập nhật nhanh chóng tại Việt Nam. Theo đó, VinGroup thông báo Khu đô thị (KĐT) Royal City do Tập đoàn đầu tư vừa được vinh danh kép tại Giải thưởng trên.
Theo VinGroup: Vượt qua nhiều đối thủ tầm cỡ trong khu vực, KĐT Royal City được trao giải thưởng kép ở hai hạng mục: “Dự án phức hợp được đánh giá cao” dành cho khu đô thị và “Trung tâm Thương mại tốt nhất Việt Nam” cho Vincom Mega Mall Royal City.
Theo báo cáo tình hình triển khai dự án của VinGroup cập nhật đến ngày 27/3/2014, dự án tổ hợp trung tâm thương mại, giáo dục và căn hộ - Royal City  nằm tại 72A Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có tổng diện tích 120.942 m2. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng trên 18.180 tỷ đồng (khoảng hơn 860 triệu USD), gồm 6 khu nhà ở cao tầng; 3 khu trường học, nhà trẻ; 5 tầng hầm gồm 3 tầng để xe và dành riêng 2 tầng hầm làm trung tâm thương mại.
Cần phải nói rõ hơn về hạng mục giải thưởng “Dự án phức hợp được đánh giá cao” mà VinGroup nhắc đến, nguyên văn tiếng Anh là “Mixed-use DevelopmentVietnam” (tạm dịch: Hạng mục dự án phức hợp Việt Nam).
Giải thưởng Asia Pacific Property Award 2014 có 47 hạng mục. Trang tin điện tử đưa thông tin hiếm hoi về giải thưởng này – Yahoo News – cho biết, mỗi dự án/đơn vị đoạt giải sẽ được nhận giải “Highly Commended” (tạm dịch: Đánh giá cao) hoặc giải 5-Star (tạm dịch: giải 5 Sao). Giải 5 Sao là giải thưởng cao nhất của mỗi hạng mục, những dự án/đơn vị được nhận giải 5 Sao sẽ được xem xét và lựa chọn chỉ 1 đại diện trên 47 hạng mục để đại diện cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham dự giải thưởng International Property Awards năm 2014.
Tức là, giải “5 Sao” – giải thưởng cao nhất - chỉ có 1 trên mỗi hạng mục ở mỗi quốc gia, còn giải “Highly Commended” thì có nhiều.
Về chất lượng giải thưởng, giải thưởng “Dự án phức hợp được đánh giá cao” mà Royal City nhận được thuộc giải “Highly Commended” của hạng mục “Mixed-use Development Vietnam”. Dự án hơn 860 triệu USD ở vị trí đất vàng nội đô ấy đồng hạng với KĐT Đặng Xá của Tổng Công ty Viglacera ở khu ngoại ô Gia Lâm, và nằm “dưới trướng” một KĐT vùng ngoại ô khác là Ecopark của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico).
Mặc dù tự hào được vinh danh kép trong giải thưởng năm nay, nhưng VinGroup đã để tuột mất giải thưởng 5 Sao về tay Vihajico. Năm 2013, dự án VinhomesRiverside của Vingroup đã giành vị trí số 1 ở hạng mục “Dự án phức hợp tốt nhất Việt Nam”, đồng thời giành giải “Dự án phức hợp tốt nhất châu Á- Thái Bình Dương” và đại diện cho châu lục tham gia tranh giải thưởng “Dự án Phức hợp tốt nhất thế giới”.


Giành giải kép, VinGroup thua cả Nam Long

Giải thưởng Asia Pacific Property Award 2014 có 47 hạng mục với tổng cộng 492 dự án/đơn vị được vinh danh.
Xét về số lượng giải thưởng, VinGroup chỉ giành cú đúp, trong khi VinaCapital giành cùng lúc 3 giải và CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng tuyên bố đã lập hattrick giải thưởng gồm “Công trình kiến trúc khu dân cư phức hợp xuất sắc” cho dự án Water Point“Dự án căn hộ được yêu thích” và “Chương trình Tiếp thị hiệu quả” đối với dự án Ehome 3 Tây Sài Gòn.
Nếu là công ty ngang hàng với VinGroup thì có thể coi VinGroup chỉ thụt lùi một chút. Tuy nhiên, Nam Long là đơn vị có vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1.290 tỷ đồng, bằng 1/12 vốn chủ sở hữu của VinGroup tính đến thời điểm 31/3/2014. Tổng tài sản của Nam Long bằng 3.323 tỷ đồng, bằng 1/24 tổng tài sản của VinGroup. Chưa kể kết quả kinh doanh của Nam Long Quý I/2014 khá bết bát, lỗ 22 tỷ đồng, trong khi VinGroup lãi sau thuế quý đầu năm đạt 1.068 tỷ đồng. Với kết quả hoạt động kinh doanh – sản xuất này, việc VinGroup đứng sau Nam Long về số lượng giải thưởng trên bảng xếp hạng khu vực danh giá có lẽ cũng không phải là việc đáng tự hào.
Ra đời năm 1992, doanh nghiệp có hơn 20 năm phát triển - CTCP Đầu tư Nam Long hướng đến phân khúc “vừa túi tiền” với mục tiêu “xuyên thủng thị trường”, trong khi VinGroup vẫn luôn trung thành với hạng mục BĐS nhà ở cao cấp. Mặc dù kết quả kinh doanh của VinGroup đến thời điểm này vẫn rất khả quan, vẫn có những quan ngại khi VinGroup “lội ngược dòng” với thị trường và chỉ chăm chăm giữ hình ảnh “cao cấp” của mình.
Theo thông tin từ VinGroup, Asia Pacific Property Award thuộc hệ thống giải thưởng bất động sản danh giá và uy tín nhất thế giới: International Property Awards, từ năm 2008 đến nay , Asia Pacific Property Awards được xem là “bảo chứng” chất lượng xuất sắc vượt trội trong lĩnh vực bất động sản khu vực. Do đó, số lượng ứng viên tranh giải Asia Pacific Property Awards liên tục gia tăng nhanh với mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Năm nay,  Ban tổ chức nhận được hơn 1.000 hồ sơ đến từ gần 300 công ty trên toàn khu vực, tham dự hơn 40 hạng mục từ Kiến trúc; Phát triển; Bất động sản; Thiết kế; Tư vấn; Nội thất…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét