Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Phát hiện nhiều di vật ở hố khai quật Ô Chợ Dừa-Đàn Xã Tắc

 Kết quả khai quật lần này góp phần hiểu sâu hơn cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long xưa.

Sáng 22/10, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức đánh giá và báo cáo kết quả tiến hành thám sát khảo cổ ở nút giao thông Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Sau hơn 2 tháng tiến hành khai quật tại các hố thám sát, kết quả cho thấy việc xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa theo hướng đông tây (phía đường Nguyễn Lương Bằng), lệch về phía nam, đồng thời xây dựng thêm nhánh rẽ từ Khâm Thiên là hợp lý.
Trong hơn 2 tháng tiến hành thám sát khảo cổ ở nút giao thông Ô Chợ Dừa, Viện Khảo cổ học đã tiến hành mở 4 khu vực thám sát khảo cổ ở 4 vị trí. Tổng diện tích thám sát là 80m2 (mỗi hố diện tích 20m2). Tại các hố khai quật đã phát hiện một số di tích khảo cổ vết tích bếp đun nấu, nền đất đắp… nhưng không phải là những di tích tiêu biểu kiểu kiến trúc gạch, đá. Di vật thu được cũng không nhiều, đa số là mảnh vỡ gạch, ngói, sành, sứ…
Hố thám sát 1 nằm ở đầu đường Khâm Thiên đi vào Ô Chợ Dừa
Báo cáo cho thấy khu vực này nằm trong phạm vi phân bố di tích La thành Thăng Long. Theo những thư tịch cổ và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì đây là cửa ô Trường Quảng của La thành Thăng Long trong lịch sử.
Tiến sĩ Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định, kết quả khai quật lần này góp phần hiểu sâu hơn cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long xưa: “Về tổng quan, đây là tổ hợp di tích rất lớn: La Thành, Trường Quảng và Đàn Xã Tắc. Di tích phân bố rất rộng. Cả 4 hố đều thấy kết quả rất rõ, ví dụ có hố đào vào lòng sông Kim Ngưu, có hố đào vào ven chân La Thành. Và đặc biệt đến hố PR1 thì đào thấy tầng văn hóa rất dày. Trong đó có các lớp thời Lê sơ, Lê Trung Hưng, kế tiếp với lớp Lý, Trần, thể hiện có sự cư trú, sinh hoạt, sinh sống của các cộng đồng cư dân trong thành và những cư dân làm nhiều nhiệm vụ khác nhau đối với cửa Trường Quảng của thành Thăng Long”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Khoán - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Trước đây dự định xây cầu vượt đi thẳng qua Đàn Xã Tắc thì các nhà khoa học phản đối. Thành phố đã quyết định chuyển mố cầu sang bên này để tránh Đàn Xã Tắc. Chúng ta đào thám sát trước và kết luận là cho làm cầu được. Ở đây (các hố thám sát) không có dấu tích của kiến trúc của công trình gì nên có thể báo cáo thành phố cho giao thông làm cầu”.
Hố thám sát 3 nằm trong khu dân cư đã được giải tỏa thuộc ngõ Đình Đông, phường Ô Chợ Dừa
Tại hội nghị bàn về cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc chiều ngày 5/6 trước đó, ý kiến của các nhà nghiên cứu và nhà quản lý lựa chọn phương án 3 - xây cầu vượt theo hướng đông tây (phía đường Nguyễn Lương Bằng), lệch về phía nam và phương án 4 - xây cầu vượt theo hướng đông tây, lệch về phía nam đồng thời xây dựng thêm nhánh rẽ từ Khâm Thiên. Do vậy, kết quả thám sát lần này khẳng định việc bảo tồn di tích và xây dựng giao thông được giải quyết hài hòa.
“Những vị trí này không dính đến vị trí trung tâm của tổ hợp di tích. Hố chúng ta đặt đã đúng vị trí các mố cầu. Mố cầu khi xây dựng đặt đúng vào những vị trí này thì các di tích, di vật của chúng ta đã được tư liệu hóa, đã được dời đi. Như vậy có thể nói chúng ta đã thực hiện được việc kết hợp hài hòa giữa bào vệ di sản văn hóa với việc xây dựng." - Tiến sĩ Tống Trung Tín cho biết thêm.
Viện Khảo cổ học cũng đề xuất, sau khi kết thúc công tác thám sát, hiện trường công tác sẽ được bàn giao lại cho Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị: công việc thám sát mới được tiến hành trên một diện tích khá nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu khảo cổ học lịch sử tại khu vực này. Do vậy, trong trường hợp Dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có bất kỳ thay đổi gì về mặt thiết kế và xây dựng ở khu vực Ô Chợ Dừa có khả năng xâm hại đến hiện trạng đường La thành (di tích La thành Thăng Long) và khu vực di tích Đàn Xã Tắc cần phải thông báo cho cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chuyên môn khảo cổ và các cơ quan liên quan để cùng phối hợp giải quyết./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét