Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi): Còn nhiều bối rối!

(Petrotimes) - Nếu chưa hoàn chỉnh và không thể đưa ra xin ý kiến Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp lần thứ sáu sắp tới, thì đây đã là lần trì hoãn thứ 3 của Dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi). Xây dựng là vấn đề rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều thành phần kinh tế trong xã hội. Ban soạn thảo đã tổ chức rất nhiều Hội thảo, tiếp thu ý kiến tham vấn từ nhiều nguồn, nhưng xem ra những ý kiến nhiều chiều vẫn chưa dừng lại…
Tạo cơ chế xử lý công trình phản cảm
Tại phần thảo luận tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đưa ra những nhận xét mạnh mẽ dựa trên thực tế những chuyến giám sát, đòi hỏi dự thảo Luật sửa đổi lần này phải có điều, khoản qui định rõ nét hơn.
Dãy nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn (Hà Nội)
“Trong khi đi giám sát, tôi thấy có một vấn đề nổi cộm, gây bức xúc; đó là công tác qui hoạch, đặc biệt là liên quan đến các công trình giao thông, thủy lợi, y tế. Ngoài những câu chuyện rất cụ thể từ thiết kế, thi công đến giám sát, quyết toán… còn có những bất ổn của công tác qui hoạch. Họ qui hoạch trồng lấn, qui hoạch quá mức, không khó để nhận thấy ngoài qui hoạch vùng, qui hoạch ngành còn có cả qui hoạch riêng lẻ của mỗi địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban TCNS đặt vấn đề trước dấu ấn mờ nhạt của công tác quản lí qui hoạch trong dự thảo Luật sửa đổi. “Tôi cho rằng việc cho phép thay đổi qui hoạch đang dễ dàng quá. Đã là qui hoạch thì phải dài hơi, phải có sức sống, tầm nhìn nhiều năm thậm chí nhiều chục năm. Đi giám sát, tôi thấy có những công trình đơn chiếc, không hoặc rất ít sử dụng, tức là đã xây lên thì không có cách gì phá đi được. Đó là điều rất phản cảm, gây lãng phí và tâm lí xấu trong dư luận!”

Góp ý cho vấn đề quy hoạch xây dựng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, đây là chương rất cần cho hoạt động xây dựng trong dự thảo Luật sửa đổi để giải quyết tồn tại của hệ thống quy hoạch hiện nay. Theo ông Nghiêm, xét đến cùng thì quy hoạch xây dựng là quy hoạch cơ bản tạo nên kết cấu hạ tầng, phương án phát triển và tổ chức không gian để phát triển kinh tế xã hội. “Hiện chúng ta đã có Luật Quy hoạch đô thị nhưng phạm vi áp dụng chỉ cho đô thị và cũng có một số quy định cần điều chỉnh, còn xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài đô thị cần được bổ sung trong Luật xây dựng lần này”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung những điều, khoản, mục để đưa trật tự xây dựng đi vào nề nếp. Hiện nay, ở bất thành phố, thị xã, thậm chí thị trấn cũng không khó để tìm thấy một công trình siêu mỏng, cao, hay một loạt dự án mini (chung cư mini) mọc lên khắp nơi. Không ai kiểm soát được chất lượng như thế nào, ai cấp phép, ai chịu trách nhiệm nếu gặp sự cố? Dự thảo Luật phải đấu tranh, hạn chế những công trình chất lượng không đảm bảo an toàn, siêu mỏng, siêu méo. Câu chuyện trách nhiệm lại được đưa ra một lần nữa được đặc ra với ban soạn thảo Dự luật. Thậm chí nhiều ý kiến đề xuất, khi qui hoạch, nếu chỉ đúng các sai phạm cá nhân thì về hưu cũng phải đưa ra xét xử một cách bình thường.
Chờ Bộ Xây dựng thể hiện vai trò cầm lái
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ, dự thảo Luật sửa đổi hết sức phức tạp. Bản thân dự Luật sửa đổi cũng “đồ sộ”, với 10 chương và 150 điều. Ngay trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng, là luật chung hay chỉ là luật chuyên ngành, cũng đã khiến ban soạn thảo đau đầu. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi đụng chạm đến nhiều đạo luật khác, liên quan đến nhiều ngành, mọi địa phương.
Phá băng thị trường bất động sản không hề đơn giản
“Ngay cả trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng đâu phải liên quan đến một mình Bộ xây dựng, còn công trình giao thông, công trình công nghiệp, công nghiệp tâm linh, văn hóa… rất nhiều ngành, địa phương có liên quan và có thể liên đới bất cứ lúc nào. Với những công trình đặc thù như vậy thì Luật “ứng xử” với từng trường hợp đến đâu. Nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, ban soạn thảo chỉ nên đề cập những yếu tố kinh tế-kỹ thuật trong Dự luật sửa đổi một cách vừa phải. Giám đốc bệnh viện, Hiệu trưởng, người đứng đầu các cơ sở giáo dục làm sao chịu trách nhiệm được chất lượng công trình xây dựng đây? Giá đầu tư, giá xây dựng cơ bản phải do người đứng đầu lo, điều kiện thanh toán hợp đồng, rồi vấn đề bảo hành, bảo trì công trình xây dựng chưa được ban soạn thảo coi trọng đúng mức vị trí người chịu trách nhiệm cao nhất về công trình xây dựng.”Chất lượng công trình nên nằm ở những văn bản dưới luật. Tôi cho đó là điều hợp lí,” Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu chia sẻ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta giai đoạn hiện nay là rất lớn. Hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém. Luật còn bổ sung những quy định cụ thể về thẩm quyền và phương thức quản lý dự án phù hợp với các loại nguồn vốn khác nhau dẫn đến những tồn tại, bất cập trong xác định chủ trương đầu tư, hiệu quả cũng như tiến độ, chi phí thực hiện dự án. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp…
Theo dự thảo, những nội dung mới và đáng chú ý lần này gồm có, đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét