Thủ đô Hà Nội đã hình thành diện mạo mới,
ngày càng văn minh, hiện đại với những công trình xây dựng tầm cỡ
Ảnh: Quang Minh
Tầm vóc những công trình mới
Có một Hà Nội mới - Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ, nhất là kể từ sau 5 năm thành phố mở rộng địa giới hành chính. Nhưng đó cũng chỉ là một cái mốc ấn định, bởi từ vài thập kỷ trước đó, Thủ đô Hà Nội đã hình thành diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại với những công trình xây dựng tầm cỡ; những cây cầu bắc qua sông Hồng, nối liền giao thông giữa Thủ đô và các vùng phụ cận; hệ thống giao thông trong TP cũng ngày một hoàn thiện, góp phần làm lung linh vẻ đẹp của một Hà Nội ngàn năm văn hiến…
Có một Hà Nội mới của 59 năm sau. Hà Nội mới ở đây để nói về sự khác biệt giữa Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại, hoa lệ. Bên cạnh dấu ấn của Kẻ Chợ xưa, với những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc… nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống; hoặc còn đó những kiến trúc cổ Đông Dương như cầu Long Biên tồn tại hơn một thế kỷ; những biểu tượng của Hà Nội qua các thời kỳ như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc… là một Hà Nội mới với những công trình xây dựng tầm cỡ, mọc lên san sát quanh tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.
Yêu Hà Nội, quan sát Hà Nội bằng tình yêu của một nhà kiến trúc, KTS Đoàn Đức Thành đã thốt lên: Nhìn Hà Nội hôm nay đã rõ nét là một đô thị hiện đại và năng động. Phân tích dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông bảo: Kể từ khi Hà Nội mở rộng, quy hoạch tổ chức không gian không còn là một đô thị trung tâm nữa, mà theo mô hình chùm đô thị, gồm khu đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Ở cửa ngõ phía Tây có Hòa Lạc là đô thị khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng. Cửa ngõ phía Tây Nam có Xuân Mai là đô thị đại học và dịch vụ. Cửa ngõ phía Tây Bắc có Sơn Tây là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là đô thị văn hóa, lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Cửa ngõ phía Nam có Phú Xuyên phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa. Cửa ngõ phía Bắc có Sóc Sơn là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không Nội Bài gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc… Kề đó, là xen kẽ hành lang xanh giữa đô thị và vùng nông thôn. Sau 5 năm triển khai thực hiện quy hoạch mở rộng trong giai đoạn đầu, bộ mặt kiến trúc đô thị thay đổi đến ngỡ ngàng, nhất là vành đai 2. Các khu đô thị cao tầng ở Nam Thăng Long, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên, Linh Đàm, Định Công, Hà Đông,… đã và đang xây dựng đồng bộ dần các trường học, nhà trẻ, cửa hàng, sân vườn, cây xanh bóng mát, ao hồ để các thế hệ sử dụng thuận tiện. Đặc biệt khu đô thị sinh thái Ecopark đã tạo cho cuộc sống con người hòa vào môi trường thiên nhiên: Cây xanh, sân vườn, mặt nước, mở ra một xu hướng phát triển mới mang tính bền vững cho Thủ đô văn minh, hiện đại. Các trục đường Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Láng Hạ, Lê Văn Lương,… đã có thêm những công trình công cộng mới to, cao, hiện đại, văn minh với đường nét, hình khối, nhịp điệu kiến trúc phong phú, đa dạng, trông không thua kém các đô thị văn minh trên thế giới. Các kiến trúc sư đã biết tránh nhại theo kiến trúc cổ điển Châu Âu mà mấy năm gần đây vẫn còn mắc phải.
Điều thú vị nhất mà KTS Đoàn Đức Thành cảm nhận rõ, ấy là nét văn hóa truyền thống vẫn hiện diện trong mỗi ngóc ngách của kiến trúc vùng nhiệt đới nóng ẩm, đã tạo được sự gần gũi đối với con người. Và ông tin rằng: "Hà Nội mở rộng sẽ tiếp thu thêm nền văn hóa xứ Đoài, Hòa Bình,… cùng với nền văn hóa Thăng Long vốn có, sẽ tạo thêm sự đa dạng, phong phú và đặc sắc...”
Gìn giữ di sản cho mai sau
Có một Hoàng thành Thăng Long xưa vẫn hiện diện trong lòng Hà Nội nay. Và kể từ năm 2010, ngay sau khi Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi danh trên bản đồ di sản thế giới, nhiều kế hoạch, phương án bảo tồn di sản đã được hoạch định. Dẫu vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng TP Hà Nội đang hết mình để gìn giữ mọi giá trị văn hóa ẩn sâu trong lòng Hoàng thành. Rồi đây Thủ đô sẽ có các công viên văn hóa lịch sử được xây dựng là Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa... Những nơi ấy vừa là điểm đến, vừa là niềm tự hào gợi nhớ về những dấu mốc lịch sử oai hùng của dân tộc.
Hà Nội cũng đang nỗ lực hết mình để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài. Và trên thực tế, không như lo lắng của nhiều người, xứ Đoài hôm nay vẫn mãi là xứ Đoài mây trắng bay. Bởi theo các nhà nghiên cứu, cái gốc gác căn bản của một nền văn hóa đâu dễ bị pha tạp. Nhất là Sơn Tây - xứ Đoài là một vùng văn hóa tâm linh hàng ngàn đời nay, đầy tự hào với huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, ghi dấu lịch sử về công cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên của ông cha ta tự ngàn đời. Rồi vẫn còn đây làng cổ ở Đường Lâm với những kiến trúc thuần Việt hàng trăm năm trước. Vẫn còn đó những phiên chợ quê, với nhiều đặc sản của mỗi vùng miền, như chợ Sấu, chợ Giá, chợ Săn, chợ Phùng hay chợ Nghệ...
Mới đây nhất, Đề án giãn dân phố cổ với việc ưu tiên cứu 121 di tích trong 3 năm là những nỗ lực lớn nhất của thành phố di sản. Theo đó, dù đã được xếp hạng hay chưa, toàn bộ 121 di tích trong phố cổ Hà Nội sẽ được ưu tiên khôi phục không gian bằng cách di dời các hộ dân đang lấn chiếm. Đó là điểm nổi bật trong Đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội, đang được tổ chức triển lãm công khai - nhân dịp kỷ niệm 59 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Triết Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét