Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Bất cập tái định cư ở nhiều dự án: Không thể đổ lỗi thiếu quỹ đất (17/12/2014)

Tái định cư cho người dân sau khi thu hồi đất vào các dự án quy hoạch đang thực sự "nóng” thêm từng ngày, khi quỹ đất không như những gì chủ đầu tư, chính quyền diễn giải. Ở đây, năng lực chủ đầu tư và trách nhiệm khối chính quyền phối hợp đang là câu hỏi lớn. 

Mắt xích dây chuyền của các dự án tiến độ chậm trễ có thể hiểu đơn giản là chủ đầu tư không vào được dự án do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặt bằng không "sạch” vì người dân không bàn giao. Người dân không di dời vì chưa có chỗ để ở. Thiếu tái định cư, chính quyền đổ lỗi. Như vậy, phải chăng chủ đầu tư thiếu năng lực là nguyên nhân chính? Vòng tròn khép kín, thiếu lời giải thấu đáo, khiến nhiều dự án hiện nay chậm hơn rùa và phát sinh tới 70% khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tại Hà Nội, có thể kể đến 3 dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn từ Ô Đông Mác đến Nguyễn Khoái; dự án đường vành đai 2, đoạn từ Nhật Tân đến Cầu Giấy và dự án đường Kim Mã - Trần Phú. Các dự án này đã đều thuộc quy hoạch giao thông của thành phố từ nhiều năm, được khởi công cũng nhiều năm, nhưng nay vẫn chưa hoàn thành, bởi công tác GPMB khó khăn, trong đó có việc thiếu nhà tái định cư.

Cụ thể, theo Sở GTVT TP Hà Nội, dự án đường Nhật Tân - Cầu Giấy, có 1.555 hộ dân trong diện GPMB, hiện đã phê duyệt 1.372 hộ, trả tiền đền bù cho 1.216 hộ, thu hồi xong mặt bằng 866 hộ, còn lại 689 hộ chưa GPMB bởi chưa được Sở Xây dựng Hà Nội bàn giao đủ tái định cư. Hay, dự án đường Kim Mã - Trần Phú cũng thiếu 71 nhà tái định cư. Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) do Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư thiếu 280 nhà tái định cư… 

Việc chậm bàn giao quỹ nhà tái định cư là do chủ đầu tư các dự án nhà tái định thiếu vốn triển khai. Thậm chí, dù nhiều nhà tái định cư đã xây xong, nhưng việc cấp điện, cấp nước và đấu nối hạ tầng chưa hoàn thiện. Có khu nhà chưa được Sở Cảnh sát PCCC phê duyệt hệ thống chữa cháy... nên dân không di chuyển. Đó là chưa kể, người dân bàn giao mặt bằng, phải đi thuê nhà để ở, tất nhiên nguồn tiền vì thế cứ đội lên, trong đó có cả tiền ngân sách, là rất lớn- đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.

"Không thể đổ lỗi cho quỹ đất thiếu, mà phải xét lại năng lực chủ đầu tư cũng như trách nhiệm của chính quyền trong các dự án hiện nay”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - GSTS Đặng Hùng Võ từng nhận định. "Nợ” tái định cư, không phải do thiếu. Đó cũng là lý do, trong phiên chất vấn mới đây tại TP Đà Nẵng, cử tri bức xúc vì quỹ đất còn dư thừa cao gấp 5,2 lần so với số nhà tái định cư nợ dân, trong khi thành phố mỗi năm phải bỏ ra khoảng 18 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thuê nhà ở. Ai phải chịu trách nhiệm, câu hỏi một lần nữa lại "nợ” phần trả lời. 

Trách nhiệm quản lý "cha chung không ai khóc” cứ thế diễn ra. Tại Hà Nội, dự án khu tái định cư Dịch Vong sau 3 năm triển khai và thực hiện, nhưng người dân không đến ở, dẫn đến cảnh tiêu điều, khi hạ tầng còn dở dang, nhà thấm dột, hệ thống điện, nước chưa hoàn chỉnh, gạch lát hè bong tróc, cỏ dại dại mọc um tùm. Hay tại khu nhà tái định cư B3, B4, B5 khu tái định cư Cầu Diễn, mới có khoảng một nửa số căn hộ có người sinh sống. Thang máy chưa thể sử dụng, nước sạch khan hiếm, đường thị tạm, mùa mưa ngập lội… Người dân đã chọn cách trây ỳ với dự án còn hơn về ở trong những ngôi nhà èo uột. Thử hỏi, cả nước có bao nhiêu dự án như thế?

Phải chăng đây là lý do của quỹ đất thiếu? Sự thiếu trách nhiệm của một số người trong cuộc, tạo nên những bất cập, ảnh hưởng nhân tâm, tăng nguồn tiền ngân sách, trong khi không chỉ TP Hà Nội đủ sức và lực để giải quyết. Sự nghịch lý ấy, không thể có lỗi chủ quan con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét