Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế

Nhiều khó khăn bất cập cũng như những kiến nghị đề xuất đã được các địa phương đề cập tại tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới". Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu của một số xã tham gia tọa đàm.
Bí thư Đảng uỷ xã Võng Xuyên. Ảnh: Triệu Hoa
Bí thư Đảng uỷ xã Võng Xuyên. Ảnh: Triệu Hoa

Bí thư Đảng ủy xã Võng Xuyên (Phúc Thọ) Đoàn Văn Ngọc:
Thủ tục thu hồi và đấu giá đất chưa phù hợp

Theo đề án được duyệt thì phần kinh phí từ ngân sách xã là 42,3 tỷ đồng chiếm 19,1% tổng nguồn vốn được tạo nguồn từ việc đấu giá 113 thửa đất với tổng diện tích là 24.765m2; song trong những năm qua Võng Xuyên vẫn chưa thực hiện đấu giá được thửa nào, theo chúng tôi có những nguyên nhân sau: Các thửa đất của Võng Xuyên đa phần có diện tích nhỏ (bình quân xấp xỉ 220m2/thửa); trong đó: có 51 thửa dưới 180m2, 35 thửa từ 180m2 đến dưới 300m2, chỉ có 27 thửa tròn 300m2 trở lên và lại nằm xen kẹt giữa khu dân cư và nhiều thửa giáp ngay thửa đất của người được giao đất 10% năm 1987 nên rất khó thực hiện khi thu hồi đấu giá.

- Thủ tục thu hồi và đấu giá chưa phù hợp với các thửa đất độc lập xen kẹt trong khu dân cư.

- Suy thoái kinh tế và bất động sản trong những năm qua ảnh hưởng rất lớn đến giá đất của Võng Xuyên nên nếu tính đủ chi phí thu hồi đất theo quy định và phần đầu tư để đấu giá được so với giá ban đầu thì ngân sách thu về sẽ không đáng kể. Do vậy, công tác đấu giá trong những năm qua trên địa bàn của xã không thực hiện được.

Để có thể tạo nguồn vốn từ các thửa đất trên đây chúng tôi đề nghị cấp thẩm quyền nên giao cho cấp huyện được thực hiện các thủ tục về đấu giá, giao đất. Đối với những thửa đất to, đủ điều kiện thu hồi thì thực hiện đấu giá; còn các thửa đất nhỏ nằm kẹt giữa khu dân cư khó thu hồi thì giao cho người được Nhà nước giao đất trước đây và thực hiện thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở sẽ tạo thuận lợi hơn cho các địa phương.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (Ba Vì) - Phương Văn Liểu:
Cần điều chỉnh thang điểm một số tiêu chí

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng để về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2014, Tản Hồng còn đối mặt với rất nhiều khó khăn để hoàn thành các tiêu chí giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa bởi đây là các tiêu chí cần lượng kinh phí lớn (khoảng gần 100 tỷ đồng).

Thực trạng hiện nay nguồn kinh phí các cấp đều khó khăn. Do đó để đạt kế hoạch đề ra và phù hợp với tình hình thực tế đề nghị Ban Chỉ đạo chương trình 02 của thành phố nghiên cứu xem xét điều chỉnh lại thang điểm của một số tiêu chí:

1. Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa: Không nhất thiết mỗi xã phải có trung tâm văn hóa và sân vận động trên 10.000m2 và tập trung chủ yếu xây dựng các nhà văn hóa thôn, nơi hoạt động thường xuyên của nhân dân.

2. Tiêu chí trường học: Không nhất thiết được công nhận chuẩn quốc gia mới có điểm vì để đạt chuẩn kinh phí đầu tư rất lớn. Đề nghị các trường cơ bản bảo đảm công tác dạy và học thì cho điểm theo tỷ lệ phần trăm.

3. Khi các tuyến chính giao thông nội đồng đã cứng hóa, các tuyến còn lại cơ bản bảo đảm tưới tiêu. Hệ thống thủy lợi, đường giao thông không lầy lội về mùa mưa thì đề nghị được tính điểm.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai:
Khó duy trì, phát huy các tiêu chí

Năm 2010, xã Đại Áng (Thanh Trì) được chọn là một trong 3 xã điểm xây dựng mô hình NTM của thành phố. Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn xã Đại Áng đã có nhiều thay đổi. Để hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM đã khó, việc duy trì và phát huy càng khó hơn, nhất là việc không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Xã Đại Áng đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân. Đối với dự án chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, kết hợp dịch vụ; rồi dự án trồng hoa cây cảnh, khi lập dự án, hồ sơ yêu cầu chủ dự án thuê, mượn đất phải có hợp đồng thuê đất của chủ sử dụng được xác nhận của văn phòng công chứng. Thế nhưng, đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 thì mỗi thửa đất của một hộ gia đình có từ 2 đến 10 nhân khẩu, theo quy định mọi thành viên trong gia đình đều phải ký tại văn phòng công chứng, kèm theo hộ khẩu, chứng minh nhân dân… thì một dự án khoảng 15ha có đến vài trăm hộ cho thuê sẽ phải hoàn thiện các thủ tục công chứng, rất mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chủ đầu tư cũng thấy thủ tục rườm rà, khó khăn nên nản và bỏ dự án. Đề nghị các sở, ngành liên quan tháo gỡ cho xã khó khăn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét