Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Nghĩ về Trung tâm hành chính

ả một quãng thời gian không ngắn, khi nói về nền hành chính, người dân lại thốt ra câu cửa miệng “hành là chính”. Nguyên nhân dẫn đến hệ quả đau lòng ấy có nhiều, nhưng trước hết là sự rối rắm của các thủ tục, sự chồng chéo của trách nhiệm và cơ chế kiểm soát lỏng lẻo. Để cải cách hành chính phải bắt đầu từ cơ chế quản lý, với tiền đề là cơ sở hạ tầng. Vì thế, việc xây dựng trung tâm hành chính (TTHC) thu về một đầu mối để quản lý khoa học hơn, kiểm soát công việc chặt chẽ hơn, hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn là yêu cầu bức thiết.
Ông Chế Viết Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng nói: “Chúng ta đã làm chính quyền điện tử với một cửa liên thông nhưng chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa giám sát được hết, nhưng khi đã về TTHC thì tất cả những hạn chế đó sẽ được khắc phục. Mỗi cán bộ công chức sẽ được cấp thẻ cảm ứng, anh ra vào công sở bao nhiêu lần, thời gian làm việc bao lâu đều được quản lý hết”. Điều ông Sơn nói cũng đồng nghĩa với một vấn nạn lâu nay cán bộ tới công sở mang tiếng là  “8 giờ vàng ngọc” nhưng lại tám chuyện, chơi game... sẽ “hết đất diễn”. Mặt khác, với không gian làm việc “mở”, mỗi công chức một ô trong phòng làm việc chung, ai làm, ai chơi cũng đều biết cả - điều này tạo cơ chế tự kiểm soát nhau.
Cán bộ Sở Xây dựng trả kết quả cho người dân tại Khu tiếp dân của TTHC.
Vấn đề sử dụng xe công vào việc riêng được dư luận phản ánh rất nhiều, nhất là các dịp Tết, lễ hội, kỳ thi đại học... Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch từng nói, lương một ông thứ trưởng hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng tiền “nuôi” xe công để phục vụ tốn gấp 3 lần. Khi còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng từng nói, khi xây xong TTHC sẽ chấm dứt “vai trò” xe công ở các Sở, ngành. Điều này đỡ tốn kém cho ngân sách biết bao tiền bạc.
Thực tế với TTHC mới, lãnh đạo các Sở, ngành muốn đi đâu sẽ đề xuất xe, sẽ có một bộ phận  quản lý, điều động xe đưa đi. Việc đi đâu, làm công việc gì đều được quản lý chặt chẽ chứ không còn chuyện “xài chùa”. Cũng nhân nói về chuyện tiết kiệm, dư luận cho rằng cái được hơn cả của cao ốc TTHC là việc tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân, DN. Cứ ví thử nếu người dân muốn xây một quán bán mì Quảng, thủ tục sẽ phải lòng vòng từ cấp phường, quận tới các sở Môi trường, Xây dựng, Công thương, chỉ tính riêng việc chạy vòng vo, chờ đợi thủ tục, chưa nói tới chuyện cán bộ công chức còn gây phiền hà, sách nhiễu thì để làm cho xong được cũng “mướt mồ hôi”.
Nhưng nay, khi tới TTHC, qua cổng số 4, khu vực tiếp dân, thủ tục sẽ được giải quyết trong một lần, ở một phòng, được tiếp đón, hướng dẫn một cách cặn kẽ, thân thiện. Ông Chế Viết Sơn cho biết, khu tiếp dân có sức chứa cùng lúc 200 người, các thủ tục được giải quyết theo hướng liên thông trực tiếp. Như vậy người dân có vướng mắc ở chỗ nào sẽ được giải quyết ngay để tránh tình trạng phải đi lại nhiều lần. Hơn nữa, mọi quy trình thủ tục đều được nạp vào hệ thống điện tử qua đó sẽ kiểm soát được tiến độ công việc, trách nhiệm của cán bộ, các vướng mắc cũng được giải quyết nhanh gọn, thuận tiện hơn.
Trong xu thế xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, gần gũi với nhân dân thì việc xây dựng, đưa vào sử dụng tòa nhà TTHC Đà Nẵng gần như tiên phong cả nước là một tất yếu. Ông Hoàng Tùng - Trưởng BQL tòa nhà nói rằng đây là tòa nhà thông minh được áp dụng theo các mô hình hiện đại của Hàn Quốc, Singapore. Tất cả các vấn đề an ninh, an toàn đều có phương án chi tiết. Để minh chứng cho sự thông minh của tòa nhà, ông Tùng bảo, ngồi ở trung tâm chỉ huy theo dõi qua máy tính, thấy trên tầng 36 nhiệt độ điều hòa thấp quá, gây lãng phí điện, có thể điều chỉnh tăng nhiệt độ lên cao hơn.
Về mặt kỹ thuật, kiến trúc thì cho đến nay, cao ốc TTHC Đà Nẵng (37 tầng) vẫn là tòa nhà cao nhất miền Trung với những đặc thù nổi trội. Chẳng hạn trụ chịu lực của tòa nhà là lõi hình tròn chứa 12 thang máy thuộc loại “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, diện tích các tầng thay đổi từ to xuống nhỏ cũng chưa có công trình nào ở nước ta làm được, đặc biệt với 2 mái thép tới 600 tấn, đường kính uốn lượn, độ vươn ra hơn 20m càng là “hàng hiếm” ở Việt Nam. Nói gì đi nữa, chính những cao ốc như thế này cùng với những cây cầu được kiến trúc độc đáo đã mang lại bộ mặt cho đô thị Đà Nẵng tráng lệ theo một cách rất riêng.
Với TTHC, điều kiện hạ tầng được coi đến đỉnh cao của tiện ích để phục vụ người dân - cái này ai cũng mong chờ trong suốt nhiều năm qua, nhưng đáng chờ đợi hơn là thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân ở một nơi hiện đại thế này có tốt hơn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét