Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Được ăn cả, ngã… bỏ chạy

Khi chủ đầu tư đã hết đường ra với dự án của mình thường trông chờ vào những thương vụ chuyển nhượng, hợp tác đầu tư từ các đối tác khác. Trong thời gian qua đã xuất hiện những thông tin doanh nghiệp A. chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp B. với số tiền hàng trăm tỷ đồng làm “mờ mắt” khách hàng. Nhưng bản chất không hẳn vậy, đến khi “thương vụ” đổ bể khách hàng là người lãnh đủ.
Giám đốc một doanh nghiệp cho biết, những thương vụ mua bán dự án trong thời gian qua mới nghe tưởng doanh nghiệp đi mua lại dự án rất mạnh về tài chính. Nhưng thực tế một dự án vài trăm tỷ đồng, số tiền họ bỏ ra ban đầu cho chủ đầu tư chỉ vài tỷ đồng.
Tất nhiên trong hợp đồng chuyển nhượng 2 bên đều cam kết chuyển tiền theo thời gian. Số tiền này được bên mua tận dụng vào khả năng bán hàng của mình để trả theo tiến độ cho bên bán. Thông thường, những doanh nghiệp mua dự án là những đơn vị môi giới, đã có ít vốn lận lưng nên được chủ đầu tư tin tưởng vào khả năng bán hàng của đối tác.
Đơn cử dự án chung cư Võ Đình (quận 12) do Công ty TNHH Võ Đình làm chủ đầu tư. Võ Đình là một đơn vị chuyên về xây lắp, chỉ tham gia đầu tư một vài dự án nhưng hầu hết không thành công. Dự án chung cư Võ Đình sau một thời gian dài bế tắc đầu ra đã chuyển nhượng cho CTCP Địa ốc Hoàng Quân và đổi tên mới Cheery 2.
Theo hợp đồng mua bán căn hộ với Võ Đình, Hoàng Quân đồng ý mua 158 căn hộ tại dự án trên với giá bán 11 triệu đồng/m2 và một số diện tích khác thuộc dự án, với tổng số tiền 187,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền Hoàng Quân “ứng” cho Võ Đình chỉ có 4,1 tỷ đồng, số tiền còn lại thanh toán rải đều cho đến hết năm 2014. Như vậy phần lớn số tiền còn lại đều trông chờ vào nguồn thu từ khách hàng.
Dự án Sunviwen 3 mà Đất xanh từng giới thiệu là chủ đầu tư đã ngưng thi công
gần 1 năm nay.

Giám đốc một doanh nghiệp có dự án tại Long An đã hợp đồng chuyển nhượng với một đơn vị phân phối tại TPHCM, cho biết khi chuyển nhượng 2 bên cam kết sau khi thu tiền từ khách hàng bên chuyển nhượng sẽ chuyển cho chủ đầu tư. Nhưng thực tế chủ đầu tư rất khó kiểm soát được tiến độ bán hàng, thu tiền của đối tác như thế nào. Nhiều khi đối tác thu tiền của khách nhưng không chuyển cho chủ đầu tư và đổ bịnh… cù nhầy. Đến khi “cơm không lành canh không ngọt”, xảy ra tranh chấp giữa 2 bên khách hàng lãnh đủ.
Mới đây, trên các diễn đàn cũng ì xèo bàn tán “thương vụ” mua bán dự án căn hộ chung cư trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) giữa Công ty Thiên Lộc (thành viên CT Group) và CTCP Dịch vụ- Xây dựng Đất Xanh. Theo đó Đất Xanh đã mua lại 2 trong số 3 block chung cư tại dự án này với giá 300 tỷ đồng và gắn mác dự án “Sunview 3”.
Có lẽ đến nay cuộc “hôn phối” giữa Thiên Lộc và Đất Xanh đã rạn nứt. Cuối tuần qua, chúng tôi trở lại dự án này mới thấy cảnh hoang tàn. Một nhân viên sàn bất động sản cho biết dự án đã ngưng thi công gần 1 năm nay. 2 block Thiên Lộc đã “bán” cho Đất Xanh công ty cũng đang tiến hành lấy lại vì lùm xùm chuyện tiền bạc. Toàn bộ những thông tin về Đất Xanh được quảng bá ở mặt tiền dự án đến nay cũng không còn nữa.
Rõ ràng, nếu Đất Xanh đã “mua đứt bán đoạn” 2 block kia với Thiên Lộc, không dễ gì họ không để thương hiệu xuất hiện tại dự án này. Tôi hỏi những khách hàng đã mua căn hộ từ 2 block mà Đất Xanh bán trước đó bây giờ nếu Thiên Lộc “thu hồi” dự án giải quyết như thế nào? Nhân viên môi giới đã không trả lời được.
Mới đây, Đất Xanh tiếp tục công bố dự án Sunview Town (Thủ Đức) với thông tin được công bố là mua lại từ Savico. Nhưng khi khách hàng tìm hiểu tính pháp lý về dự án cũng không được nhân viên môi giới của Đất Xanh giải thích rõ ràng.
Trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Đất Xanh và khách hàng tại dự án này có hàng loạt “căn cứ” để Đất Xanh bán căn hộ cho khách hàng, chẳng hạn có “Căn cứ Hợp đồng hợp tác số 30/2012/HĐHTDA-SVC-DX ngày 28-12-2012 giữa CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn và CTCP Dịch vụ & Xây dựng Địa ốc Đất Xanh”. Như vậy không loại trừ khả năng pháp lý giấy tờ của dự án Savico đang đứng tên, Đất Xanh chỉ là đơn vị bán hàng và thanh toán theo tiến độ cho Savico.
Giám đốc một doanh nghiệp đã trải qua bài học “xương máu” với một doanh nghiệp chuyên đi “chuyển nhượng”, “hợp tác” dự án với các chủ đầu tư, chia sẻ: "Họ lựa toàn “miếng ngon” bán trước, tiền thu vào từ khách hàng mình không thể quản lý hết, chuyển trả thì nhỏ giọt, đến khi không “xơi” nổi nữa bỏ chạy để lại cho chủ đầu tư một mớ bòng bong phải giải quyết với khách hàng".
Nguyễn Đình (Sài Gòn đầu tư tài chính)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét