Đầu cơ đất khiến giá đất liên tục bị đẩy lên 
Chưa khi nào mà việc lo chỗ chôn cho người nằm xuống lại nóng hổi như hiện nay. Dù mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội để giải quyết vấn đề quỹ đất đã được 5 năm, nhưng xem ra, quy hoạch nghĩa trang vẫn là vấn đề thời sự. Năm 2010, khi nghĩa trang Văn Điển ra thông báo dừng hung táng, người dân đã phải đôn đáo tìm chỗ chôn cất. Cuối cùng, việc mở rộng nghĩa trang Vĩnh Hằng đã hoàn thành kịp thời để phục vụ nhân dân. Nhưng từ đó đến nay, nghĩa trang Vĩnh Hằng lại xảy ra tình trạng đầu cơ đất đai, khiến giá đất cho người chết liên tục bị đẩy lên chóng mặt, khiến người nghèo không có tiền đành ngậm ngùi nhìn. Nỗi lo thiếu chỗ chôn vẫn thường trực.
Quy hoạch “Nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” khẳng định trong khu vực đô thị, 6 nghĩa trang hiện có (Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Văn Điển) sẽ từng bước đóng cửa và trồng cây xanh, cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015.
Theo Sở LĐTBXH, tổng diện tích đất nghĩa trang là 2.744ha, chiếm 0,82 diện tích đất tự nhiên toàn TP. Hiện, quỹ đất tại nghĩa trang Thanh Tước đã hết. Văn Điển còn hơn 2.500 ngôi mộ sẽ được bốc vào cuối năm nay. Nghĩa trang Yên Kỳ chỉ còn 3.000 ngôi trống. Nghĩa trang Vĩnh Hằng dù mới được mở rộng, tổng số mộ đã nhập là hơn 770 ngôi, tổng số ô trống đã xây bể mộ là hơn 1.154 bể, khu mai táng 3 năm chỉ còn một khu, khu mai táng vĩnh viễn còn 5 khu, khu cải táng còn 7 khu. Với nhu cầu ngày càng gia tăng, dự báo nghĩa trang Vĩnh Hằng cũng không thể phục vụ lâu dài. Riêng nghĩa trang Mai Dịch, phần mộ cán bộ cao cấp có 500 mộ thì chỉ còn trống khoảng 50 ngôi, phần mộ liệt sĩ đã kín 1.228 mộ.
Quá tải và ô nhiễm
Dù toàn TP có tới 2.336 nghĩa trang cấp xã, thôn với tổng diện tích khoảng 2.626ha, nhưng hầu hết đều hình thành tự phát, xây dựng không theo quy hoạch và không bảo đảm khoảng cách cách ly theo yêu cầu vệ sinh môi trường. Sở  LĐTBXH đánh giá, không sớm thì muộn, các nghĩa trang này cũng sẽ hết chỗ và người dân xung quanh sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. 
Đứng trước tình trạng quá tải và ô nhiễm, nhưng việc quy hoạch nghĩa trang đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương, như vụ việc đang diễn ra ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh)... Khi biết, nghĩa trang cấp TP được triển khai tại những khu vực trên, người dân đã viết đơn thư phản đối với các lý do quan ngại về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Tháng 10.2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng với huyện Mê Linh đã tổng hợp kết quả lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước tại xã Thanh Lâm. Kết quả tổng hợp cho thấy, trong 689 phiếu hợp lệ thì có 653 phiếu ghi không đồng ý xây nghĩa trang (94,77%). 
Trong khi loay hoay chờ sự đồng thuận của người dân thì các dự án nghĩa trang ở TP vẫn chỉ nằm trên giấy, trong khi nhu cầu có chỗ chôn người chết thì ngày càng gia tăng.
 Theo quy hoạch, khu vực phía bắc sông Hồng, Đông Anh sử dụng nghĩa trang xã Xuân Nộn; các KĐT huyện Mê Linh sử dụng nghĩa trang Thanh Tước. Riêng nghĩa trang Minh Phú – Sóc Sơn, ngoài việc phục vụ khu vực đô thị Sóc Sơn, còn phục vụ nhu cầu cải táng và quy tập mộ di chuyển của các đô thị phía bắc và đông Hà Nội khi nghĩa trang Đông Anh và Thanh Tước hết quỹ đất. Phía đông sông Hồng, ở các đô thị Long Biên, Gia Lâm sử dụng nghĩa trang xã Trung Màu (huyện Gia Lâm).
Ở khu vực phía nam, mộ di dời và chôn mới sẽ chuyển đến nghĩa trang Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Khi nghĩa trang Chuyên Mỹ hết khả năng mai táng, người chết sẽ được mai táng tại nghĩa trang tập trung khu vực phía tây như Vĩnh Hằng và Yên Kỳ 2. Ở khu vực phía tây và đô thị trung tâm, người chết sẽ được chuyển đến nghĩa trang phía tây như Mai Dịch 2 (huyện Thạch Thất), Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 và nghĩa trang huyện Chương Mỹ.
Các nghĩa trang huyện sẽ chỉ phục vụ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện. Ở nông thôn, mỗi xã bố trí từ 1 đến 2 nghĩa trang tùy vào điều kiện địa hình, quỹ đất và nhu cầu thực tế.