Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Hậu quả của chủ trương đúng, thực hiện sai

Việc định canh, định cư tại tỉnh Cao Bằng đã tạo điều kiện cho một bộ phận đồng bào vùng cao đặc biệt khó khăn cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, có một nghịch lý là rất nhiều khu tái định cư đã hình thành hơn 20 năm mà dân vẫn đói nghèo.

Thiếu đất canh tác

Xóm Khuổi Hoa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là một trong những xóm thuộc chương trình định canh định cư của tỉnh. Sau hơn 20 năm tại nơi ở mới, những tưởng cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, nhưng trên thực tế, đồng bào nơi đây vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng ngày phải vào rừng kiếm củi, hái rau rừng và săn dúi để bán lấy tiền mưu sinh.
Nhiều dự án tái định cư của tỉnh Cao Bằng được xây dựng trên đất khó, nên dân từ chối đến ở.

Những năm 1990 - 1991, 5 hộ đồng bào Mông từ một số xã vùng cao, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, đã chuyển đến xóm Khuổi Hoa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, để lập nghiệp theo chương trình định canh, định cư. Tại đây, bà con được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học… Mặc dù có được nơi ở ổn định và điều kiện tốt hơn, song một thực tế là để có được hạt ngô, hạt lúa, các hộ ở đây phải đi nửa ngày đường mới đến được nương rẫy. Do nương rẫy phân tán, mỗi vụ thu hoạch, mọi người phải gùi ngô, sắn hàng chục cây số từ nương về đến nhà. Ngoài trồng và thu hoạch mùa màng… công việc thường xuyên nhất của cả làng là đi vào rừng chặt củi và bẫy thú rừng về bán.

Cũng do quỹ đất canh tác quá hạn hẹp, phần lớn là đất đồi, dốc và bạc mầu, không phù hợp với cây ngô… nên dù có cố gắng đến đâu, bà con cũng chẳng đủ ăn. Ở Khuổi Hoa, từ 5 hộ ban đầu, nay tách thành 9 hộ, nhưng chưa có hộ đồng bào Mông nào thoát nghèo, tất cả đều thiếu đói từ 7 - 8 tháng/năm.

Bà Dương Thị Xải, một người dân xã, cho biết: “Gia đình tôi đã về đây được 22 năm nhưng vẫn nghèo, cái ăn còn chưa đủ, vì chúng tôi chỉ có chút nương rẫy, ruộng khe suối cạn ở rất xa, nhiều năm trồng xuống nhưng không được thu hoạch vì chim, chuột phá. Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ phần nào để khai hoang ít ruộng bậc thang, nhưng mong mãi chẳng được”.

Cùng với tình trạng thiếu đất sản xuất, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Theo quan sát, toàn bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt với hàng triệu đồng đầu tư chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành nơi chứa rác thải, không còn sử dụng được, khiến hàng ngày bà con vẫn phải đi gánh nước tận dưới khe sâu về dùng.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra xóm Minh Long, xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình, xóm "hạ sơn" theo chương trình 134. Năm 2003 - 2004, từ nguồn chương trình 134, 15 hộ dân tộc Mông sinh sống trên vùng cao núi đá xã Bắc Hợp đã được hạ sơn xuống xóm mới Minh Long. Đây là một xóm định cư được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục quan trọng theo chương trình 134. Tuy nhiên, vẫn do quỹ đất canh tác hạn hẹp, ngoài đất ở, trung bình mỗi hộ chỉ được chia khoảng 500 m2 đất đồi có thể trồng trọt. Vì vậy, trong điều kiện khó khăn, đa phần người dân coi Minh Long là xóm tạm, làm nhà để đó rồi trở về sinh sống quê cũ.

Nhiều bất cập từ khâu quy hoạch

Thực tế nói trên tại các nơi định canh, định cư, đã khiến rất nhiều người dân nằm trong diện phải di dời, nghi ngờ về chất lượng nơi ở mới. Bên cạnh đó, có những hộ sau khi đi thăm mặt bằng nơi mình dự kiến được chuyển đến, đã từ chối thẳng thừng, vì theo họ, nơi ấy không đảm bảo cuộc sống.

Dự án khu tái định cư mới Bốc Thượng B, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An là một ví dụ điển hình. Dự án do huyện Hòa An làm chủ đầu tư, nhằm di chuyển một số hộ dân thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt… các xã vùng cao Đức Xuân, Quang Trung, đến định cư với mục tiêu trồng và bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn Sông Hiến. Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng nhiều hạng mục công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như: San gạt mặt bằng để bố trí các hộ dân, hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, nhà văn hóa… Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay mới chỉ mở được con đường. Công trình phải tạm dừng thi công vì người dân từ chối đến định cư nơi đây.

Ông Hoàng Văn Tài thuộc một hộ dân nằm trong diện phải di dời cho biết: “Khi được nghe di chuyển tới nơi định cư mới, chúng tôi ai cũng mừng. Nhưng sau khi đi xem thấy chỗ đó dốc quá ở thế nào được, có khác gì chạy từ núi này đến núi cao hơn. Trong khi chỗ ở hiện nay của chúng tôi tốt, nếu đem số tiền làm khu mới đó hỗ trợ chúng tôi mở ruộng bậc thang thì chúng tôi sống quá thoải mái, chẳng cần phải đi vào rừng kiếm ăn làm gì”.

Ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, từ chủ trương đúng đến khâu thực hiện lại là cả vấn đề. 20 năm là khoảng thời gian quá dài để thay đổi, điều chỉnh một dự án cho phù hợp. Hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước trong ngần ấy năm đã được tiêu hết, trong khi đó người dân vùng khó khăn không có cuộc sống tốt hơn mà vẫn đang gồng mình chống chọi với cái nghèo, cái khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét