Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Dự án Bright City chuyển sang NƠXH, khách hàng quyết liệt phản đối

Nhiều khách hàng đã đóng tiền phản đối kịch liệt việc dự án Bright City - AZ Thăng Long ở Hoài Đức (Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Khách hàng bức xúc vì bị “qua mặt"
Trao đổi với PV Infonet, anh Nguyễn Văn Quân ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết liệt phản đối việc dự án Bright City- AZ Thăng Long chuyển sang nhà ở xã hội (NƠXH), với lý do: Sau khi chuyển đổi, diện tích căn hộ sẽ bị thu nhỏ lại dưới 70 m2, nên không phù hợp với không gian sống mà gia đình anh đã lựa chọn; dự án cũng sẽ không còn tiện ích khác như hầm để xe; mật độ dân số đông lên trong khi số lượng thang máy không thay đổi, dịch vụ khác không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân…
Anh Quân cho biết, ngày 19/4/2011, anh đã ký hợp đồng đặt cọc số 256/09A1-08/01/DC11-TL01 để đảm bảo ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án BrightCity - AZ Thăng Long với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long (viết tắt là Cty Thăng Long). Số tiền đặt cọc ghi trong hợp đồng là hơn 400 triệu đồng.
Đến ngày 19/10/2012, kể cả thời gian gia hạn thời hạn đặt cọc thêm 6 tháng thì thời hạn đặt cọc hợp đồng nói trên đã hết hạn nhưng phía Cty Thăng Long vẫn chưa ký hợp đồng mua bán căn hộ với anh Quân.
Dự án luôn đóng cửa kín, không ai được vào. Ảnh: Minh Thư
Từ ngày 31/10/2012 đến nay, anh Quân đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Cty Thăng Long phải thanh lý hợp đồng và hoàn trả số tiền đã nộp đặt cọc trong hợp đồng cùng với tiền phạt cọc tính đúng theo điều khoản trong hợp đồng và những khoản tiền chênh mà Cty Thăng Long đã thu thêm nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, anh Quân biết được dự án BrightCity - AZ Thăng Long đang làm thủ tục xin chuyển đổi sang NƠXH đã khiến anh vô cùng bức xúc và đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội nhờ can thiệp.
Cũng phản đối việc “âm thầm” xin chuyển đổi dự án, ông Mai Duy Thắng ở Đội Cấn (Hà Nội) cũng vô cùng bức xúc khi cả 9 anh em trong gia đình ông đã cùng mua các căn hộ tại dự án. Số tiền 9 anh em ông Thắng đã nộp cho Cty Thăng Long lên đến gần 7 tỷ đồng, tương đương 30% nhưng chỉ có hơn 5 tỷ đồng là có giấy tờ , còn lại số tiền gần 2 tỷ đồng không có chứng từ.
Bản thân ông Thắng và các anh em khi đã đóng tiền vào dự án với mục đích để mua căn hộ dự án thương mại nên khi hay tin dự án xin chuyển sang NƠXH ông vô cùng bức xúc bởi giá thành nhà ở thương mại và giá nhà ở xã hội khác nhau nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã đặt cọc mua nhà tại dự án.
“Qua thông tin đại chúng chúng, tôi được biết dự án đang xin chuyển đổi sang NƠXH khiến tôi rất bất ngờ, trong khi chủ đầu tư không hề có thông báo nào cả. Nếu chủ đầu tư gặp các khách hàng, lên phương án hợp lý thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận với điều kiện quyền lợi của chúng tôi phải được đảm bảo”, ông Thắng cho hay.
Đã hỏi ý kiến khách hàng (!?)
Căn cứ khoản 3, điều 1, Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 của Bộ Xây dựng: Việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thương mại sang làm NƠXH hoặc công trình dịch vụ chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ (kể cả cao tầng và thấp tầng) mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng.
Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.
Với hiện trạng dự án thế này nhưng Phó Tổng giám đốc Phan Tuấn Anh
nói đã chi khoảng 300 tỷ đồng để làm móng? Ảnh: Minh Thư
Trước những bức xúc của khách hàng, trao đổi với PV, ông Phan Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản AZ (Cty Thăng Long là công ty thành viên của Công ty BĐS AZ) khẳng định: Phía công ty cũng đã hỏi ý kiến khách hàng, công ty đã có mời khách hàng đến ký biên bản, cũng đã có khách hàng ký đồng ý cho công ty chuyển đổi dự án, còn số ít khách hàng không đồng ý thì không ký vào biên bản đồng ý chuyển đổi dự án. “Văn phòng Công ty không đủ rộng để một lúc họp được vài trăm khách hàng nên Công ty đã tổ chức họp nhiều lần theo từng đợt”, ông Tuấn Anh nói.
Việc Công ty có ý định chuyển đổi dự án sang NƠXH bởi lẽ cả công ty và khách hàng đều có lợi. Công ty sẽ tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ, được giảm thuế và khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ đó khi chúng tôi sẽ xây nhanh để trả nhà cho khách hàng.
“Công ty đang đề xuất để xin chuyển đổi dự án sang NƠXH, còn có chắc chắn được hay không thì công ty cũng đang chờ đợi. Hồ sơ chúng tôi đã nộp lên Bộ Xây dựng được 3-4 tháng. Sau khi dự án chuyển đổi xong công ty mới mời các khách hàng đến họp. Khi đó những khách hàng theo dự án chúng tôi sẽ có chính sách để hỗ trợ khách hàng; còn đối với số ít khách hàng không tiếp tục theo dự án chúng tôi sẽ thanh lý hợp đồng và sắp xếp thời gian, tài chính hoàn trả tiền cho họ”, ông Tuấn Anh cho hay.
Theo thông tin mà vị Phó Tổng giám đốc này cung cấp thì dự án có 960 căn, mới có trên 200 khách hàng đăng ký mua, số còn lại vẫn chưa bán được. Hợp đồng đặt cọc là tự nguyện của cá nhân khách hàng muốn đặt cọc mua căn hộ hình thành trong tương lai, công ty đã thu tiền khoảng 15-20% giá trị căn hộ của một số khách hàng.
Theo ông Tuấn Anh thì số tiền của hơn 200 khách hàng đã đóng vào công ty không thấm vào đâu khi Công ty đã chi khoảng 300 tỷ đồng tiền làm móng. Tuy nhiên, khi hỏi đến chứng từ hóa đơn chứng minh việc này thì ông Tuấn Anh cho rằng: “đây là vấn đề nội bộ của công ty”?!
Trả lời câu hỏi nếu dự án được chuyển đổi thì lấy gì để đảm bảo dự án sẽ được triển khai khi trước đó dự án đã chậm tiến độ? Ông Tuấn Anh cho biết: Kinh tế khó khăn, các công ty BĐS đều khó khăn, chúng tôi phải tìm những nguồn tiền từ dòng ngoài, hợp tác liên doanh với nhà thầu để xây dựng với tiến độ nhanh nhất. Sau khi chuyển đổi sang NƠXH thì sẽ có ban quản lý dự án, nguồn tiền sẽ giải ngân theo tiến độ, tiến độ xây dựng sẽ nhanh.
Tiền thuế sử dụng đất, tiền mua đất…. công ty phải lo hết, vốn đối ứng công ty đã chuẩn bị hết, thời điểm khó khăn công ty phải trả một số khoản tiền phát sinh ở dự án, công ty đã tìm vốn từ những nguồn khác để cố gắng trong tháng 10, tháng 11 tới đây có thể triển khai được dự án trở lại, cố gắng cuối năm 2014 trả nhà cho khách hàng.
Trước những lập luận của vị Phó Tổng giám đốc Phan Tuấn Anh thì liệu dự án có thể được triển khai với tiến độ như ông nói nếu được chuyển đổi vẫn là một câu hỏi lớn và chưa lấy gì làm chắc chắn khi mục đích chuyển đổi dự án của đơn vị này là để tiếp cận nguồn vốn của Chính Phủ, điều này cho thấy chủ đầu tư đang “cạn tiền”?!
Mặt khác, nhắc đến Công ty BĐS AZ thì có lẽ niềm tin của nhiều khách hàng cũng đã bị “lung lay” khi đơn vị này đã có hàng loạt dự án “tai tiếng” như: AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công….
(Theo Infonet) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét