Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

VN sắp có viện đào tạo kỹ sư kiến trúc đầu tiên


Dự kiến, đến tháng 3/2014, Viện Đào tạo Năng lượng và Kiến trúc xanh với tên gọi “Viện Kiến thức ngày mai” sẽ ra mắt.
Viện được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho một lực lượng thiết kế kiến trúc đủ năng lực, có thể đóng góp lớn cho sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Đào tạo những gì thị trường chưa có
Viện Đào tạo Năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực chính là: Đào tạo các cấp độ sơ cấp, các khóa ngắn hạn, trung cấp, liên kết các đại học đào tạo hệ cử nhân về kiến trúc xanh; Nghiên cứu và trao đổi học viên nghiên cứu sinh; Tư vấn công trình xanh.
Đây là một nội dung quan trọng đã được ký kết trong biên bản ghi nhớ ngày 20/09/2013 giữa Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) và trường Đại học Bắc Đan Mạch (UCN) cùng công ty Thiết kế kiến trúc KAAI, góp phần xây dựng một lực lượng thiết kế kiến trúc đủ năng lực phục vụ cho việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Đây cũng là viện đào tạo đầu tiên của Việt Nam về kiến trúc xanh.
 - 1
Một khóa đào tạo về kiến trúc xanh do ECC- HCMC tổ chức.
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc ECC HCMC chia sẻ: Các chương trình đào tạo của Viện sẽ hướng đến cung cấp những công cụ bổ sung, phương pháp tiếp cận mới. Định hướng kinh doanh của Viện là đào tạo những gì thị trường chưa có nhưng thị trường có nhu cầu và dẫn dắt xu hướng thiết kế mới.
Cụ thể, Viện có các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng các kỹ năng và công cụ phục vụ thiết kế công trình xanh, tính toán năng lượng, quản lý dự án… với các công cụ như Be10, BIM… Đây đều là những công cụ mới, chưa có ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

Active House – Tòa nhà “trực quan sinh động”
Một điểm khá thú vị trong việc liên kết với Đan Mạch lần này, nếu như các chương trình đào tạo từ trước đến nay của ta đều thiên về lý thuyết thì Tòa nhà tối ưu hóa năng lượng (Active House) được xây dựng song song với Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ là nơi để học viên có thể quan sát và học hỏi trực tiếp cách thức xây dựng một công trình xanh hoàn thiện.
Về thiết kế kiến trúc, Active House là một công trình được cách nhiệt tốt, ngăn cản nhiệt bên ngoài xâm nhập vào nhà, giảm thiểu nhu cầu về năng lượng. Đây cũng là một ngôi nhà thoáng mát và thoải mái với chất lượng không khí bên trong tốt nhờ thiết kế thông minh là tăng cường ánh sáng và không khí tự nhiên. 

Nguyên tắc hoạt động của Active House là ngôi nhà sẽ tự sản xuất năng lượng cho chính nó nhiều hơn so với số năng lượng mà nó sử dụng cũng như xác lập mối liên kết bền vững và được tối ưu hóa với bối cảnh xung quanh. 

Chia sẻ về dự án Active House, ông John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Việc xây dựng Active House sẽ nâng cao nhận thức về việc sử dụng các giải pháp tối ưu hóa năng lượng trong các tòa nhà. Bằng những thiết kế nhằm tận dụng ánh sáng và sức gió tự nhiên, bằng cách sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, chúng tôi muốn chứng tỏ rằng khu vực tòa nhà - nơi chiếm tới 15-20% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia hoàn toàn có khả năng tiết kiệm một lượng năng lượng rất lớn”.
Việt Nam có quá ít công trình xanh
Không xét đến các nước phát triển, tại một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia…, bên cạnh yếu tố tự nguyện áp dụng các công cụ đánh giá công trình xanh, để thúc đẩy “tính xanh”, các chính phủ đã quy định tối thiểu về tiêu chí thiết kế kiến trúc cho các toà nhà và đặt mục tiêu phát triển công trình xanh ngắn và dài hạn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, công trình xanh vẫn đang là khái niệm mơ hồ và kiến trúc xanh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý tưởng của chủ đầu tư mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng từ năm 2005, trong đó có quy định về các tiêu chí khi xây dựng công trình đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo ông Phạm Huy Phong, Phó Giám đốc ECC-HCM, kết quả khảo sát một số công trình kiến trúc ở TPHCM cho thấy, nhiều công trình vẫn chưa chú trọng sử dụng các giải pháp trong kiến trúc để hạn chế bức xạ mặt trời như xây dựng hành lang, lam che nắng, mái vách và hầu như chưa sử dụng các giải pháp chống xâm nhập nhiệt hiệu quả nhưng cần đầu tư cao như tường nhiều lớp có cách nhiệt, mái đôi… Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng cũng chưa quan tâm đến hiệu quả thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Thay vì sử dụng các thiết bị điều hòa không khí hiệu suất cao, nhiều nơi vẫn còn dùng các thiết bị có hiệu suất thấp hoặc trung bình. Việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này đa phần chưa đạt yêu cầu kỹ thuật.
Đáng lẽ phải dùng các màu sơn sáng có tác dụng phản quang, phản nhiệt tốt phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam, nhiều công trình kiến trúc vẫn sử dụng màu tối, màu chói, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
“Tôi tin rằng nếu hoạt động tốt, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ làm thay đổi tư duy thiết kế một công trình, đồng thời giúp hình thành một ngành học mới là kỹ sư công nghệ kiến trúc. Đây là ngành học mà các trường đại học kiến trúc của Việt Nam đang muốn lập. Sau khi thành lập Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh, thời gian tới, ECC HCMC sẽ liên kết với hai cơ sở đào tạo về kiến trúc là Đại học Kiến trúc TP.HCM và ĐH Kiến trúc Hà Nội để liên kết đào tạo ngành học này” – ông Huỳnh Kim Tước nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét