Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Kẽ hở cần bổ xung trong pháp luật xây dựng

Ai sẽ chịu trách nhiệm trong tai nạn gây chết người đi đường ở công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông?

Hiện trường vụ tai nạn sáng 06/11
Khoản 1 Điều 36 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định: “Các loại sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng (gọi chung là sự cố), bao gồm: Sự cố công trình (công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm, công trình lân cận); sự cố mất an toàn lao động của người hoặc thiết bị thi công xây dựng; sự cố cháy, nổ xảy ra trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng”.
Theo quy định trên thì vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10h sáng 06/11/2014 tại công trường xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi (thuộc Q.Thanh Xuân, Hà Nội), không phải là một trong các loại sự cố trong thi công xây dựng vì nó không gây chết người trực tiếp thi công mà làm chết người đi đường. Đây là kẽ hở trong pháp luật xây dựng mà các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần xem xét, bổ sung cho các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 2014.
Tuy nhiên, nguyên nhân vụ tai nạn trên có thể thấy rõ ràng đầu tiên do lỗi của nhà thầu thi công. Nhà thầu đã không tuân thủ nghiêm ngặt QCXD 18:2014/BXD-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia-An toàn trong xây dựng. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đối chiếu với quy định tại điểm 2.19.2.7-QCXD 18:2014 “Trong phạm vi đang có người làm việc trên cao và trên mái, phải có rào ngăn và biển cấm bên dưới để tránh vật liệu, dụng cụ từ trên rơi vào người qua lại. Hàng rào ngăn phải đặt rộng ra ngoài mép mái theo hình chiếu bằng một khoảng cách 2m khi mái có độ cao không quá 7m và cách 3m khi mái có độ cao lớn hơn 7m. Trường hợp đặc biệt, theo quy định của thiết kế thi công”, thì nhà thầu đã có các hành vi vi phạm cụ thể như sau: Không có rào ngăn; Không có biển cấm bên dưới để tránh vật liệu, dụng cụ từ trên rơi vào người qua lại.
Nhà thầu thi công không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ tai nạn này, vì theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì nhà thầu có trách nhiệm “Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình, tiến độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác”.
Trong vụ tai nạn này thì chủ đầu tư cũng không thể đứng ngoài được vì Điểm b khoản 6 Điều 24 Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì chủ đầu tư có trách nhiệm “Kiểm tra biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình của nhà thầu thi công xây dựng công trình”.
Do không phải sự cố công trình xây dựng và cũng không phải tai nạn lao động, bởi vậy cơ quan giải quyết sự cố này không phải là các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hoặc về lao động mà phải là cơ quan công an.
Qua vụ tai nạn này, các văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng cần quy định cụ thể những vấn đề sau:
1. Cần bổ sung phân cấp sự cố công trình khi có thiệt hại về người vì pháp luật lao động chỉ quy định loại tai nạn: Tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng, tai nạn lao động nhẹ (Điều 4-Thông tư 12/2012/12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động).
2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tự lập và tự phê duyệt thiết kế biện pháp thi công quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình KHÔNG NHỮNG của nhà thầu thi công xây dựng công trình mà còn của NGƯỜI và CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN.
Từ ngày 01/01/2015, khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thì nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ “Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình” theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 113 Luật này. Giả sử vụ tai nạn trên xảy ra sau ngày 01/01/2015 thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ phải “NHẬP KHO” vì là người phê duyệt thiết kế biện pháp thi công.
3. Vụ tai nạn này xảy ra đối với người thứ ba, cho nên bắt buộc nhà thầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba. Điều đáng tiếc, khoản 3 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 chỉ khuyến khích nhà thầu xây dựng mua.
Sáng 06/11, tại công trường tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi, đoạn đối diện Viện Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, đã xảy ra tai nạn. Khi cần cẩu của đơn vị thi công đang cẩu thép thì bất ngờ gặp sự cố khiến các thanh thép rơi xuống đường, làm một người chết và ba người khác bị thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét