Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai

(HNM) - Trong thời gian qua, nhiều người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) gọi đến Đường dây nóng Báo Hànộimới (0438247615 và 0984316316), phản ánh cán bộ xã "bán" đất trái thẩm quyền; giao và cho thuê nhiều diện tích đất công nhưng không công khai tài chính…
Xây nhà kiên cố trên đất quỹ II ở thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm.
Xây nhà kiên cố trên đất quỹ II ở thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm.


Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, ngọn nguồn của những tố cáo trên bắt đầu từ công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Trước đây, xã Đồng Tâm đã hai lần thực hiện DĐĐT vào năm 2004 và 2007, nhưng đều không hoàn thành vì các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ổn định từ năm 2000 và đến năm 2014 mới hết hạn nên việc dồn ruộng gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của thành phố về DĐĐT, xã Đồng Tâm đã họp dân, đưa ra phương án dồn ruộng, nhưng nhiều người có ý kiến phải lấy quỹ đất II (theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993, quỹ đất II là quỹ đất nông nghiệp không giao cho từng hộ gia đình, cá nhân mà cho tổ chức, gia đình, hộ cá nhân thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp) chia thêm cho các hộ để tránh lãng phí và hạn chế tư lợi.

Theo một số người dân, khi chia đất nông nghiệp lâu dài cho người dân từ năm 1993, địa phương đã giữ lại quỹ đất II khoảng 30% thay vì 5% như quy định tại Điều 14 của Nghị định 64/CP về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Chính vì quỹ đất II để lại quá nhiều nên việc cho thuê, giao thầu bị buông lỏng, nguồn thu không được công khai. Điển hình cho sự buông lỏng quản lý là từ năm 2001 đến trước năm 2008, địa phương đã chuyển đổi nhiều diện tích đất quỹ II để giao đất giãn dân. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất quỹ II đã bị người dân tự ý sử dụng tăng gấp nhiều lần so với diện tích được giao ban đầu nhưng không bị xử lý. Cũng vì vậy, nhiều ngôi nhà kiên cố đã "mọc" trên đất quỹ II mà vẫn được địa phương "bảo toàn" trong suốt thời gian dài. Không những vậy, có trường hợp còn được lãnh đạo xã ký, chứng kiến việc chia nhà, đất cho các thành viên trong gia đình, song điều đáng chú ý là theo bản đồ hành chính của xã Đồng Tâm thì diện tích này lại là đất quốc phòng?

Trước những tố cáo trên, ông Lê Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho rằng: Khi chia ruộng lâu dài cho người dân theo Nghị định 64/CP, xã Đồng Tâm để lại diện tích quỹ II khá lớn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua quỹ đất này biến động cũng rất nhiều nên diện tích không còn nguyên vẹn như ban đầu. Để thuận lòng dân, UBND xã đã cân đối, xem xét và nhất trí chia thêm quỹ đất trồng màu với định suất mỗi khẩu 11m2. Tuy nhiên, người dân cho rằng chia như vậy vẫn chưa thỏa đáng, nhưng quỹ đất của địa phương cũng không thể đáp ứng được nhu cầu này. Hiện tại, việc DĐĐT của xã đã hoàn thiện ở 11 cụm dân cư, 3 cụm dân cư còn lại vẫn đang tiếp tục giao tiếp phần đất trồng màu. Những nội dung tố cáo khác liên quan công tác quản lý đất của địa phương qua các thời kỳ hiện xã chưa có căn cứ để trả lời. Trong khi đó, ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng chỉ cho biết một cách chung chung: UBND huyện đã nhận được các phản ánh nêu trên và đầu tháng 1-2014 đã thành lập tổ công tác để xác minh, hiện chưa có kết quả (?)

Phần lớn các tố cáo nêu trên đều liên quan một số cá nhân đang là cán bộ ở một số ban, ngành của huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm. Do vậy, người dân rất cần sự công tâm, khách quan của tổ công tác trong quá trình xác minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét